Đó là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo báo cáo rà soát Luật Đấu thầu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm qua (29.9) tại Hà Nội.
Chủ đầu tư thiếu năng lực thẩm định
“Vốn và năng lực nhà thầu là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định để doanh nghiệp thắng thầu. Nhưng lâu nay, chúng ta luôn ngộ nhận cứ doanh nghiệp nước ngoài là có năng lực, còn mình thì kém năng lực” - ông Vũ Gia Quỳnh - đại diện Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân sự “thất bại” của các nhà thầu Việt Nam.
|
Nhiều nhà thầu trong nước có đủ năng lực nhưng vẫn khó tiếp cận với các dự án lớn (ảnh minh hoạ). |
Cũng theo ông Quỳnh để cho việc đấu thầu đúng và hiệu quả, các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu cần phải suy nghĩ lại, thay đổi cách tư duy chuyên nghiệp hơn. “Nếu cứ nghĩ nhà thầu chính là phải có máy móc, có vốn là hỏng” - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh các nhà thầu Trung Quốc không phải lúc nào cũng có sẵn vốn và công nghệ vượt trội. Trong khi các chủ đầu tư của Việt Nam lại thiếu công cụ hỗ trợ và đội ngũ chuyên gia đánh giá nên dễ dẫn đến ngộ nhận năng lực của nhà thầu ngoại.
“Chẳng hạn, khi đưa giá đánh giá trong hồ sơ đấu thầu của nhà thầu trong và ngoài nước về cùng một mặt bằng như quy định thì chủ đầu tư của Việt Nam lại không đủ khả năng phân tích, đánh giá lãi suất của đồng vốn vay, một yếu tố cạnh tranh trong đấu thầu” - ông Ninh Viết Định - Trưởng ban Quản lý đấu thầu Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết.
Và vì vậy, nhìn tổng thể, các nhà thầu trong nước luôn thua thiệt vì những tiêu chí mình đặt ra, các nhà thầu ngoại hay Trung Quốc đều đáp ứng được.
Xung quanh yếu tố chủ đầu tư, ông Dương Văn Cận - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu cho biết: Việc nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thầu không thể bỏ qua vai trò của ông chủ đầu tư. Nếu thực sự họ “ưu ái” nhà thầu Trung Quốc thì chỉ cần một “động tác” nhỏ thôi là chúng ta khó thắng thầu.
Ông nhận định: Có thể nói chúng ta chưa có nhiều am hiểu thực chất về lĩnh vực đấu thầu và thị trường xây dựng trên thế giới. Bộ máy đấu thầu của Trung Quốc và nhiều nước khác chỉ là bộ phận “mở mang”, còn sau khi thắng thầu là công việc của các nhà thầu phụ. Trong khi đó, doanh nghiệp của chúng ta thì “ôm” tất nên nhiều hạn chế là lẽ đương nhiên.
Tại sao thua trên sân nhà?
Nhà thầu Trung Quốc và nhà thầu giá rẻ vẫn không phải là mấu chốt, bởi nhà thầu Trung Quốc đáp ứng rất nhiều điều kiện. Ví dụ như nhân công, vì là họ ở cạnh chúng ta. Vấn đề thứ 2 là vấn đề năng lực đối với nhà thầu VN. Đặc biệt là gói thầu EPC liên quan câu chuyện sản xuất thiết bị. Hầu hết các nhà thầu của VN không có năng lực sản xuất. Gói thầu EPC là gói thầu liên quan đến thiết bị cho nên, giữa nhà thầu quốc tế và nhà thầu Trung Quốc thì họ là người thắng vì giá rẻ. Mặt khác, yếu tố chủ quan là do năng lực nhà thầu VN. Cho nên câu chuyện muốn chọn nhà thầu VN cần có một chiến lược.
Ông Dương Văn Cận - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN
Làm thế nào để cạnh tranh trong lĩnh vực đấu thầu ngày càng bình đẳng, loại bỏ được những nhà thầu yếu kém, đồng thời bảo vệ được các nhà thầu trong nước là những vấn đề đang được đặt ra trong bối cảnh hầu hết các dự án lớn nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực điện đều rơi vào tay nhà thầu nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
“Không nước nào có thể cạnh tranh và thắng Trung Quốc trong lĩnh vực “giá rẻ”. Chính vì vậy, nếu các chủ đầu tư vẫn dùng tiêu chí giá rẻ là một trong những yêu cầu để trúng thầu thì chúng ta đang tự “chặt chân, chặt tay” các nhà thầu trong nước để đem nguồn lợi cho các nhà thầu nước ngoài” - TS Vũ Gia Quỳnh nhấn mạnh.
Cũng theo TS Quỳnh, các quy định trong lĩnh vực đấu thầu phải bảo vệ quyền lợi người Việt Nam, chứ không chỉ là nhà thầu Việt. Ý thức chuyên nghiệp được đại diện Hiệp hội Nhà thầu nhấn mạnh phải được thể hiện ngay từ quan điểm, “chẳng hạn đã là mua sắm công thì các doanh nghiệp trong nước phải được hưởng lợi là tổng thầu, chứ không thể chỉ là nhà thầu phụ”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Sỹ Liêm - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng bức xúc cho rằng: “Phải bảo vệ nhà thầu Việt Nam, nên những quy định trong lĩnh vực đấu thầu đừng đưa ra những tiêu chí dự thầu mà chỉ quốc tế mới đáp ứng được”.
Ông Liêm “chua xót” kể câu chuyện mà ông tình cờ đọc được trên báo chí Trung Quốc. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu của Trung Quốc nhận định về lĩnh vực đấu thầu của Việt Nam như sau: “Thị trường đấu thầu của Việt Nam là một thị trường béo bở. Mỗi năm có khoảng 10 tỷ USD được đầu tư vào hạ tầng và chỉ cần dự án khoảng 250.000USD là phải đấu thầu. Vì vậy, ta hoàn toàn có thể nhảy vào dự thầu để chiếm lĩnh”.
Phương Hà - Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.