Ngoại giao nhân dân để giữ độc lập chủ quyền

Thứ hai, ngày 12/05/2014 06:10 AM (GMT+7)
“Nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh và vì thế, rất muốn có hòa bình. Chúng ta làm mọi cách để hòa bình, nhưng hòa bình trên cơ sở nào! Đó là chiến lược ngoại giao nhân dân chúng ta cần phải thực hiện”.
Bình luận 0
“Nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh và vì thế, rất muốn có hòa bình. Chúng ta làm mọi cách để hòa bình, nhưng hòa bình trên cơ sở nào! Đó là chiến lược ngoại giao nhân dân chúng ta cần phải thực hiện” - bà Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam nhấn mạnh giải pháp này khi trả lời báo chí ngày 11.5.

Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam
Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam

“Đây là hành vi xâm lược”


Cảm xúc đầu tiên của bà khi xem các clip về những chiếc tàu của Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam ngay trên chính vùng biển Việt Nam như thế nào?

- Từ tận đáy lòng, tôi đã rất đau lòng khi xem những hình ảnh đó, tàu của chúng ta thì ít mà tàu của Trung Quốc lại rất nhiều, có cả tàu chiến và máy bay nữa.

Nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh và vì thế, rất muốn có hòa bình.
Nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh và vì thế, rất muốn có hòa bình.

Hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan ở tại vị trí của Việt Nam có thể nói là đã đi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam không phải ở ranh giới. Tình hình rất nghiêm trọng và việc làm này cũng Trung Quốc đã được tính toán lâu dài, vì vậy Việt Nam không thể nào không có phản ứng mạnh mẽ vì đây là chủ quyền đất nước- vấn đề sống còn của dân tộc chúng ta.

Vì vậy, Việt Nam kiên quyết phản đối và nhất định phản đối đến cùng, đòi cho được Trung Quốc rút bỏ giàn khoan đó ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tầm nghiêm trọng của hành động lần này là Trung Quốc đã ngang ngược vi phạm luật pháp và quan hệ quốc tế. Đặc biệt ở lần gây hấn này, Trung Quốc không chỉ có những vụ va chạm mà cụ thể đưa trái phép giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền của một đất nước, mà nói một cách khác đó là hành vi xâm lược, nên hết sức nghiêm trọng. Nên nếu chúng ta không đấu tranh, chúng ta không thể ngăn chặn được âm mưu của Trung Quốc.

Những ngày qua, chúng ta thấy, hơn bao giờ hết, khi Tổ quốc lâm nguy, lòng dân Việt Nam biểu hiện rất rõ: Không thấy biểu hiện của sự sợ hãi mà chỉ thấy sự quyết tâm, cùng chí hướng quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc hừng hực trong mỗi trái tim người Việt Nam?

- Đúng vậy. Nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh, chúng ta rất muốn có hòa bình và làm mọi cách để hòa bình, nhưng hòa bình trên cơ sở nào! Đó là chiến lược ngoại giao nhân dân chúng ta phải thực hiện. Chúng ta có một lịch sử hào hùng về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đó là lòng tự hào và tự tôn dân tộc mà bất cứ thế hệ người Việt Nam nào đều có.

Sau bao nhiêu năm chiến tranh, chúng ta chỉ mong muốn hòa bình, ổn định đất nước, tất cả mọi người dân Việt Nam đều yêu chuộng hòa bình. Thế nên, thái độ của chúng ta là luôn mong muốn giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

Thế nhưng rõ ràng, Trung Quốc không đáp lại thiện chí của chúng ta. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chúng ta có bằng chứng lịch sử cũng như về mặt luật pháp, nhưng Trung Quốc lại không công nhận điều đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại đưa ra cái gọi là “đường lưỡi bò” mà cả thế giới phản đối. Đường lưỡi bò thể hiện rõ âm mưu muốn xâm chiếm cả Biển Đông.

Thức tỉnh lương tri người Trung Quốc

Ở trong nước, người dân đã thể hiện sự đồng lòng và sát cánh với Chính phủ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vậy trong chiến lược ngoại giao nhân dân, chúng ta phải làm thế nào để cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam?

- Theo thông tin tôi nhận được cho đến nay, rất nhiều nước, tổ chức đã ủng hộ chính nghĩa của chúng ta, lên án hành động sai trái của Trung Quốc, trong đó phải kể đến Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… Chúng ta sẽ còn tiếp tục nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ nữa của dư luận thế giới và thậm chí là ngay của người dân Trung Quốc có lương tri.

Chúng ta có pháp lý và trong tình hình hiện nay, vấn đề pháp luật cũng rất quan trọng. Chúng ta không chỉ sử dụng các vấn đề về chính trị mà chúng ta còn phải sử dụng pháp lý, đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta kêu gọi bạn bè thế giới ủng hộ chúng ta.

Việt Nam chỉ yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chúng ta không yêu cầu một cái gì khác, cho nên lẽ phải, chính nghĩa thuộc về chúng ta. Mặc dù trong tình hình thế giới hiện nay, không phải dễ dàng để thực hiện nhiều điều, nhưng tôi tin rằng, chúng ta có thể nhận được sự ủng hộ của nhân dân thế giới dành cho chúng ta, giống như sự ủng hộ của nhân dân thế giới đã dành cho chúng ta trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ.

Thưa bà, bên cạnh dư luận thế giới, chúng ta cần phải chú ý đến hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc, hiện nay họ đang thiếu thông tin, hoặc đang nhận được những thông tin sai lệch về thực tế, dẫn đến những ý kiến, hành xử không thiện cảm với Việt Nam. Trong thời gian tới, các tổ chức nhân dân của Việt Nam nên có những hành động gì để có thể tăng cường mức độ nhận thức và sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc đối với việc đảm bảo luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trên Biển Đông?


- Tôi cũng nghĩ rằng, nhân dân Trung Quốc cũng rất muốn có hòa bình và quan hệ hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Hai nước láng giềng có quan hệ tốt với nhau là những điều rất tốt đẹp cho người dân 2 nước. Tôi cho rằng, nhân dân Trung Quốc nếu hiểu được sự thật thì họ không thể nào tán thành những hành động của chính quyền Trung Quốc.

Trước mắt, do tuyên truyền của Trung Quốc lúc nào cũng đổ lỗi cho Việt Nam, nói Việt Nam khiêu khích, vi phạm… Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Vì vậy có thể nói, để thức tỉnh lương tri của người dân Trung Quốc không nhanh được như chúng ta mong muốn nhưng về lâu dài tôi tin là nhân dân Trung Quốc cũng hiểu được lợi ích chính đáng của nhân dân Trung Quốc ở đâu. Chúng ta sẽ làm và nhờ cả bạn bè quốc tế làm để nhân dân Trung Quốc hiểu ra lẽ phải.

Xin cảm ơn bà!

Việt Nam nên đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Trả lời câu hỏi của NTNN về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, ông Phạm Ngạc - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu có góc nhìn mới mẻ khi cho rằng, kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế hiệu quả không cao bằng việc đưa vấn đề hành vi sai trái của Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Ông Phạm Ngạc cũng là người tham gia từ đầu khi Việt Nam gia nhập LHQ và với nhiều năm kinh nghiệm, ông cho rằng Việt Nam với tư cách là thành viên của tổ chức này có quyền đưa vấn đề ra trước LHQ và có quyền yêu cầu một cuộc họp tại HĐBA LHQ.

Trong khi đó, Trung Quốc là một thành viên của LHQ và với tư cách là một thành viên của HĐBA LHQ phải tuân thủ Hiến chương của LHQ. Tuy nhiên, đề cập đến khả năng Trung Quốc có thể dùng quyền phủ quyết để phủ quyết những vấn đề Việt Nam đưa ra, ông Ngạc cho rằng, nếu Trung Quốc dùng quyền phủ quyết ở đây thì chính họ lại cho thấy, một mình Trung Quốc chống lại cả thế giới.


Thúy Đăng


Đăng Thúy (ghi) (Đăng Thúy (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem