Sau thất bại với BST thời trang cao cấp lấy cảm hứng từ bóng bay và áo mưa trong mùa trước, NTK Quang Nhật đã có những tiến bộ rõ rệt ở dòng thời trang Haute Couture lần này với kỹ thuật chần bông và họa tiết 3D. Tuy vậy, nhìn chung đêm diễn Haute Couture vừa qua vẫn chưa thể làm hài lòng giới mộ điệu thời trang trong nước.
Mẫu thiết kế trong BST Haute Couture của NTK Quang Nhật
So với BST của các NTK khác trong đêm diễn, các thiết kế của Quang Nhật được khán giả và giới chuyên môn đánh giá khá cao. Nhận xét về BST Haute Couture của NTK trẻ này, NTK “gạo cội” Minh Hạnh dành khá nhiều sự ưu ái: “Ở Quang Nhật, người ta nhìn thấy một sự sáng tạo, phá cách rất riêng với họa tiết chần bông. Cùng với những gam màu và tạo hình 3D đặc sắc, mùa đông trong BST của Quang Nhật mang một vẻ đẹp khắc khoải rất ấn tượng”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về BST Haute Couture lần này, Quang Nhật cũng chia sẻ: “Trong BST này, tôi muốn đưa vào những hiệu ứng đặc biệt của kỹ thuật chần bông trên hai biểu tượng hoa cúc và cành trúc, biểu trưng cho hai mùa thu - đông. Ở Việt Nam, hình ảnh các bà, các mẹ thuở xưa mặc chiếc áo chần bông ngồi may áo rét cho con đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người. Đó chính là thứ “chất thơ”của mùa đông mà tôi muốn chuyển tải đến người xem qua BST...”
Quang Nhật mang đến BST với kỹ thuật chần bông lạ mắt
Anh khai thác hai họa tiết chính là hoa cúc và cành trúc, biểu tượng của 2 mùa thu - đông
Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang nước nhà còn non trẻ, những màn trình diễn Haute Couture nói chung luôn luôn là một câu hỏi khó đối với các NTK Việt Nam. Mỗi một tuần lễ thời trang khép lại, giới mộ điệu lại “dậy sóng” với những luồng dư luận trái chiều xung quanh khái niệm Haute Couture ở Việt Nam.
Thực tế, dòng thời trang cao cấp - Haute Couture xuất phát từ Paris (Pháp) và những bộ trang phục thuộc đẳng cấp này từng được mệnh danh là "siêu phẩm" của những giấc mơ. NTK Quỳnh Paris, người từng học về thời trang tại nước Pháp từng cho biết, ở Pháp chỉ có một số thương hiệu đáp ứng được rất nhiều yêu cầu về thời trang Haute Couture bao gồm: mỗi thương hiệu phải có ít nhất hai xưởng của công ty, đồ phải được làm thủ công trong xưởng, mỗi kiểu mẫu chỉ có duy nhất một sản phẩm, mỗi bộ sưu tập phải có ít nhất 30 kiểu, mỗi năm phải có từ hai bộ sưu tập...
Nhiều người cho rằng, ở Việt Nam, Haute Couture vẫn còn là một giấc mơ xa tầm với, một “chiếc áo quá khổ” đối với các NTK Việt. Theo đó, việc nơi lỏng những quy định nguyên bản của dòng thời trang này khi về đến Việt Nam đã khiến cho ý nghĩa của cụm từ này giảm đi phần nào giá trị.
Thậm chí, nhận xét về các đêm diễn Haute Couture trong nước, anh Aki Quang - Giám đốc Thời trang chương trình "Thời trang và Nhân vật" từng đưa ra ý kiến: “Theo tôi, gọi đây là đêm diễn “Thời trang ứng dụng cao cấp” thì chính xác với tiêu chí và bớt áp lực hơn cho những người thực hiện".
NTK người Tây Ban Nha vẫn đưa những họa tiết thổ cẩm yêu thích quen thuộc vào BST Haute Couture
Họa tiết hoa dã quỳ được thêu tay tỷ mỷ là điểm nhấn xuyên suốt các mẫu trang phục của NTK Lan Hương
Trang phục trong BST Haute Couture của Hải Long - Thế Huy với họa tiết hoa sen, công phượng thêu tay
Ngoài ra, nhiều người mẫu có kinh nghiệm lâu năm trong làng thời trang Việt cũng rất “dè chừng” khi tham gia những show diễn Haute Couture vì họ luôn dự đoán trước các BST Haute Couture Việt Nam luôn “cầm chắc” tới 90% khả năng bị chê “tơi tả”.
Nói về đêm diễn Haute Couture lần này, NTK Minh Hạnh có cái nhìn khá bao dung khi cho rằng: “Các bộ sưu tập trong đêm diễn Haute Couture lần này tuy là thời trang cao cấp nhưng vẫn mang tính ứng dụng cao và sát hơn với thị trường Việt Nam, vì nó đi kịp với thời đại nên không tạo cảm giác quá xa thực tế.”
Tuy vậy, bà cũng thẳng thắn công nhận: “Các NTK trong đêm Haute Couture lần này đã làm tốt việc tạo ra được tính độc đáo, sự duy nhất của các BST, nhưng tinh thần thời đại thì vẫn cần phải quyết liệt hơn nữa. Một số BST được làm rất đúng với tinh thần, ý tưởng các NTK, nhưng vì để tính duy nhất quá mạnh nên việc thể hiện sự bứt phá mang tính thời đại đã bị hạn chế đáng kể.”
Mẫu thiết kế Haute Couture của NTK Minh Hạnh
Giữa rất nhiều luồng ý kiến trái chiều khen - chê về dòng thời trang Haute Couture ở Việt Nam, NTK trẻ Ngọc Hân đã đưa ra những góp ý tích cực: “Haute Couture ở Việt Nam là một khái niệm khá mới. Các NTK Việt mới đang “chập chững” bước vào dòng thời trang này nên rất khó để so sánh với những kinh đô thời trang hàng trăm năm tuổi trên thế giới. Sau mỗi dịp ra mắt BST mới, tôi nghĩ các NTK cần tiếp thu và có tinh thần cầu tiến, nhưng độc giả cũng nên là những người công tâm và hiểu biết để đưa ra những ý kiến xây dựng thay vì việc hùa theo “ném đá” tập thể.”
Ảnh: Hồng Phú
Vui lòng nhập nội dung bình luận.