Khi biển Trường Sa có bão là ngư dân Việt Nam lại phải đứng trước lựa chọn sống còn: Đảm bảo mạng sống hay cố giữ cho được bát cơm? Quay tàu về đất liền tránh bão thì cả chuyến đi biển thành công cốc, mà ở lại thì đánh đu mạng sống của mình trước cơn cuồng nộ của Hải Vương. Chính vì thế, dù chỉ mới hoàn thành vào đầu năm 2012 nhưng âu tàu tránh bão trên Song Tử Tây đã rất “đông khách”, có trên 200 tàu cá có mặt tại đây mỗi khi có bão.
|
Bác sĩ Kiều Đức Vinh (thứ hai bên phải) vị ân nhân của nhiều ngư dân gặp nạn. |
Về “nhà” khi bão lớn
Nhìn cánh hải âu bay mải miết bên áng chiều vàng ruộm màu mỡ gà, thượng tá Vũ Văn Cường - Đảo trưởng Song Tử Tây chém tay: “Chuẩn bị đón tàu ngư dân, tối nay bão về rồi”. Phát lệnh cho lính xong, ông đảo trưởng giải thích với cánh nhà báo: “Mắt lính đảo chúng tôi đảm bảo ăn đứt mấy ông dự báo thời tiết trên tivi. Chuẩn bị đi, không còn nhiều thời gian đâu”.
Chả biết đúng sai ra sao nhưng âu tàu lập tức được chuẩn bị, chiếc cần cẩu dùng để kéo tàu mới toe được chạy vận hành thử, các cột neo tàu kiểm tra kỹ càng, những ngọn đèn dẫn đường được đã xem xét kỹ lưỡng… Công việc vừa hoàn tất thì gió lạnh nổi lên báo hiệu cơn bão số 1 chuẩn bị đổ bộ vào Biển Đông. Cái ông trưởng đảo thế mà “thánh” thật!
Gió lạnh vừa nổi lên, những con tàu của ngư dân Việt Nam khắp vùng Trường Sa ùn ùn kéo về Song Tử Tây, nào thì tàu mang ký hiệu BĐ (Bình Định), PY (Phú Yên), ĐN (Đà Nẵng), nào là tàu QN (Quảng Nam), QNg (Quảng Ngãi)… tất cả đều vội vã trước cơn thịnh nộ của biển cả. Hai chiếc ca nô dẫn đường của hải quân chạy hết công suất đưa các con tàu vào khu tránh bão. Khi gió đã lộng, biển ầm ầm dậy sóng, những con tàu vẫn tiếp tục cập vào bờ.
Lực lượng trực chiến vẫn không được nghỉ, phải bám bờ suốt đêm để chờ những con tàu cuối cùng. Giữa đêm mưa mới thấy con tàu cuối cùng cập đảo. Ông Nguyễn Văn Bình - chủ tàu cá BĐ 2318 giọng vẫn chưa hết hoảng sợ: “Phải ở lại để thu hết vàm câu cá ngừ đại dương. Vàm câu này là toàn bộ tài sản của tụi tôi, kể cả bão lớn cỡ nào cũng phải thu cho hết, không ngờ bão đến nhanh thế, nếu như mọi năm khi chưa có âu tàu tránh bão này thì….”.
Gạt hết nỗi âu lo, ông Bình bắt cậu thợ nhỏ ôm thùng mực tươi (vốn dùng để làm mồi câu cá ngừ) lên biếu anh em lính đảo, anh em bộ đội không dám nhận vì quy định “Không đụng đến cây kim sợi chỉ của nhân dân” nhưng ông Bình đã có cách “lách luật”: “Nhà báo các anh nhận thì không sao nhỉ? Nói vui vậy thôi, các anh mang lên nhậu vui với anh em bộ đội. Cho ngư dân chúng tôi gửi lời cảm ơn nhiều lắm đến anh em lính đảo”.
Thượng tá Vũ Văn Cường cho biết trong năm 2012 vừa qua đã có gần 2.000 lượt tàu thuyền của ngư dân vào đây tránh bão, đảo cũng đã cung cấp hơn 20.000 lít dầu nhiên liệu cùng hàng vạn khối nước ngọt để các tàu có thể kéo dài thời gian đánh bắt trên biển sau cơn bão nhằm tăng thu nhập cho ngư dân.
Bàn tay ấm áp quê hương
Đại tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Tư lệnh Hải quân Vùng 4 cho biết, hiện tại công trình nhà cộng đồng đã được triển khai trên đảo Đá Lớn, làm nơi ở cho ngư dân vào tránh bão hoặc bị nạn.
Trong đêm văn nghệ chào Xuân 2013 tại Song Tử Tây, ở tiết mục Vinh danh những con người xuất sắc trên xã đảo, thượng úy Kiều Đức Vinh (thạc sĩ, bác sĩ của Quân y viện 108 ra phục vụ đảo) khoe với mọi người một tấm hình… “trông ghê chết đi được”. Tấm hình ấy là một người thanh niên giơ hai bàn tay lên trời, tay trái chỉ còn 2 ngón, tay phải nguyên vẹn nhưng sẹo chằng chịt.
Hỏi ra thì đó là Nguyễn Văn Trường (thuyền viên tàu cá QNg 1432) - bệnh nhân khó quên nhất đối với bác sĩ quân y Kiều Đức Vinh. Trường bị máy xay đá cuốn cả 2 cánh tay vào và khi đến đảo Song Tử Tây, lúc tỉnh lại, Trường chỉ thấy 2 tay mình bầy nhầy máu. Nếu không vào đảo kịp thì chỉ trong vòng 24 giờ, 2 cánh tay ấy sẽ hoại thư và phải tháo khớp đến tận nách, còn nếu mang về đất liền, sau 3 ngày thì tính mạng cũng không giữ được.
Vừa chân ướt chân ráo ra đảo, Vinh thấy choáng khi gặp ca tai nạn kinh khủng này nhưng khi biết Trường chưa có vợ, tương lai còn dài, bác sĩ Vinh quyết định giữ lại đôi tay cho chàng thuyền viên này. Sau 6 tiếng đồng hồ bới tung từng búi gân, nối lại từng mạch máu, ca phẫu thuật mới xong. Sau 15 ngày chờ hồi phục trên đảo và không có biến chứng, thuyền viên này mới được đưa vào đất liền và giờ đây đôi tay Trường đã hoàn toàn lành lặn, chỉ mất đi 3 ngón bên tay trái. Bức thư gửi vị ân nhân của mình, Trường chỉ nguệch ngoạc được mấy dòng chữ to như con gà mái ghẹ: “Sang năm em nấy (lấy) vợ rồi, vẫn còn tay để đeo nhẫn cưới anh ạ. Em cảm ơn anh xuốt (suốt) đời. Cho em gửi lời cảm ơn cả đảo mình anh nhé…”.
Còn rất nhiều ngư dân đã tai qua nạn khỏi khi đến với Song Tử Tây và được quân y viện tại đây cứu chữa.
Tuấn Lệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.