Ngư dân Bình Định quyết gỡ “thẻ vàng” của EC

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 29/11/2018 13:30 PM (GMT+7)
Với việc Luật Thủy sản sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2019 tới đây, ngư dân các tỉnh ven biển đang rất mong chờ có những hướng dẫn cụ thể để thực thi, đặc biệt để gỡ “thẻ vàng” của EC vì khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Bình luận 0

Mong mỏi gỡ “thẻ vàng”

Tại Bình Định, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” được cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện một cách tích cực với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Hàng loạt cuộc họp đã được chính quyền tỉnh Bình Định tổ chức để thực hiện việc chống khai thác IUU. Theo ghi nhận, phần lớn ngư dân trong tỉnh đã nhận thức được trách nhiệm chấp hành quy định khai thác thủy sản, cùng nhau bắt tay quyết tâm gỡ “thẻ vàng”, cũng như thực thi tốt Luật Thủy sản.

img

Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ đại dương cập vào cảng cá.  Ảnh: I.T

"Địa phương nào tiếp tục để ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài sẽ không được xem xét thi đua, khen thưởng. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng phải phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra tàu cá ra vào cảng”.

Ông Hồ Quốc Dũng -
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Theo ngư dân Văn Công Việt - chủ tàu BĐ 91189 TS (trú TP.Quy Nhơn), thông qua công tác tuyên truyền của ngành thủy sản, rất nhiều ngư dân đã được trang bị những quy định mới về khai thác thủy sản và hệ lụy có thể xảy ra nếu cố tình vi phạm việc chống khai thác IUU.

“Từ bao đời nay, tàu cá của gia đình tôi chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Thực ra, chúng tôi được trang bị các kiến thức về quy định chống khai thác IUU rất kỹ. Trước khi khởi hành, ngư dân phải trình báo ngày, giờ xuất bến và khi cập cảng thì báo nhật ký khai thác, sản lượng cho cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện đầy đủ thì sẽ bị phạt và cắt chế độ hỗ trợ về dầu” - ông Việt cho hay.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú tại xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) cho rằng, việc cơ quan chức năng và ngư dân cùng nhau thực hiện tốt giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác IUU là cơ hội duy nhất để EC gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản.

“Máy thiết bị Movimar trên tàu luôn được mở 24/24 giờ trong quá trình khai thác, ngoài việc để cơ quan chức năng theo dõi thì ngư dân có thể nắm được thời tiết. Nhật ký khai thác ngày nào chúng tôi ghi chép hành trình ngày đó để trình báo khi cập cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tàu tôi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, tuyệt đối không xâm hại đến ngư trường nước bạn. Hy vọng với những nỗ lực của ngư dân Bình Định, EC sẽ xem xét sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam” - ngư dân Lý bày tỏ.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, để triển khai việc chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, tỉnh này đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và ban hành các văn bản với mục đích tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

“Chúng tôi thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU lên trang thông tin điện tử của Bộ NNPTNT. Tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu, thuyền viên vi phạm trên đài phát thanh địa phương. Đồng thời, chuyển hồ sơ tàu cá vi phạm cho cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ và xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng” - ông Hổ nói.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định đã kiểm điểm trách nhiệm 7 lãnh đạo UBND xã và 2 huyện để tàu cá xảy ra vi phạm. Cùng với đó là tăng cường nâng cấp hệ thống giám sát hành trình trên biển, nâng cao năng lực quản lý tại các cảng cá, kiểm tra kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại các cảng cá, tăng cường công tác tuần tra trên biển về chống khai thác IUU.

Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo phải chứng nhận được nguồn gốc thủy sản đã khai thác tại các cảng cá. Ngư dân phải khai báo ngư trường đánh bắt, số lượng để tổ nghiệp vụ kiểm tra, chứng nhận rồi mới được mang bán. Chủ tàu phải mở máy thiết bị Movimar để 4 trạm bờ giám sát tự động. Để an toàn, các tàu trước khi xuống bến phải được kiểm định chất lượng, cấp giấy phép hành nghề 1 năm, nếu quá thời hạn này tàu không đăng ký lại thì không cho hoạt động”.

Theo ông Châu, 2 năm gần đây, các chủ tịch UBND huyện phải chịu kiểm điểm trước chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề địa phương có ngư dân khai thác thủy sản trái phép. Ngư dân phải cam kết với chính quyền không được khai thác trái phép, những tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ sau khi về nước, tỉnh cũng đã xử lý nghiêm.

“Một số tàu hành nghề lưới kéo, giã cào chúng tôi không cho hoạt động nữa. Bên cạnh đó, thời gian tới tỉnh sẽ mở rộng nuôi trồng thủy sản trong bờ, mỗi năm tổ chức 3 lần thả cá xuống biển. Chống khai thác IUU là vấn đề rất quan trọng nên tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để kiểm tra, giúp ngư dân hành nghề đúng chuẩn mực” - ông Châu cho hay.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem