Các thuyền viên Indonesia làm việc trên tàu cá Trung Quốc Long Xing 629.
Theo SCMP, các thuyền viên tuổi từ 20 đến 35, nói rằng họ bị ép làm việc liên tục hai ngày mà không được nghỉ, bị đánh đập, phân biệt đối xử và thường xuyên cảm thấy đói khát.
Trong 13 tháng ra khơi, 4 trong số 20 thuyền viên Indonesia trên tử vong, 3 thi thể được thủy táng ngay tại chỗ. Những người còn lại lên bờ ở Hàn Quốc hồi tháng trước, sau đó được hồi hương vào ngày 8.5.
Những người sống sót trở về nói rằng họ vẫn chưa nhận được hàng ngàn đô la tiền lương như cam kết của công ty đánh bắt thủy sản Trung Quốc.
Vụ việc được đưa ra ánh sáng ở Indonesia vào tuần trước, sau khi truyền thông Hàn Quốc đăng video thi thể thuyền viên Indonesia được thả xuống biển. Indonesia triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối việc các công dân nước này bị đối xử “phi nhân tính” trên tàu cá Trung Quốc.
Vây cá mập trên tàu cá Trung Quốc Long Xing 629.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11.5 cho biết nói đang xác minh các cáo buộc của Indonesia, và nói thêm rằng một số cáo buộc không đúng với sự thật. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của 4 thuyền viên Indonesia vẫn chưa được làm rõ.
Các thuyền viên sống sót đã gửi lời khai của mình đến các luật sư và tổ chức vận động bảo vệ quyền lợi ở Hàn Quốc và Indonesia. Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (C4ADS) có trụ sở tại Mỹ, cũng quan tâm đến vụ việc trên.
Dựa trên lời kể của các thuyền viên, có thể hình dung rằng những người tử vong đã phải làm việc vất vả trong điều kiện vô cùng khó khăn mệt mỏi và khổ sở.
Ngoài việc bị đồng nghiệp Trung Quốc đánh và chửi bới, những thuyền viên Indonesia cho biết họ thường xuyên phải làm việc tới 21 giờ một ngày. Họ chỉ được ăn cơm một cách qua loa, buộc phải uống nước biển qua chưng cất, chưa hoàn toàn lọc được hết vị mặn. Ngược lại, các thuyền viên Indonesia nói rằng các đồng nghiệp người Trung Quốc được uống nước đóng chai.
Các ngư dân trên tàu Long Xing 629.
“3 người chết trên tàu, một người chết sau khi đến Hàn Quốc, trong thời gian cách ly 14 ngày”, Jong Chul Kim, luật sư người Hàn Quốc từng gặp các thuyền viên Indonesia, nói.
“Các triệu chứng khá giống nhau, bao gồm các vết sưng tấy trên cơ thể, đau ngực, khó thở. Thuyền viên tử vong đầu tiên bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khoảng một tháng rưỡi nhưng không được chăm sóc, chữa trị", luật sư Kim nói.
Tàu Long Xing 629 cũng bị cáo buộc sát hại cá mập chỉ để lấy vây. Các bức ảnh thuyền viên cung cấp cho thấy vây cá vừa khai thác xong vẫn còn nằm trên boong thuyền.
Ước tính hàng chục ngàn lao động Indonesia làm việc trên các tàu cá của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc mỗi năm. Đây là nhóm người dễ bị lạm dụng, bóc lột do hoạt động đánh bắt cá kéo dài hàng tháng trời và thiếu sự giám sát.
Việc khai thác trở nên khó khăn và đắt đỏ, sản lượng thấp là một trong những số nguyên nhân khiến thuyền viên Indonesia bị đối xử tàn tệ.
Theo các nhà hoạt động, hầu hết các thuyền viên Indonesia làm việc trên tàu cá Trung Quốc đến từ các gia đình nghèo và được hứa hẹn mức lương từ 300-450 USD/tháng, trong hợp đồng ràng buộc kéo dài hai năm. Mỗi hợp đồng đều ghi rõ các điều khoản khấu trừ cho các loại phí và tiền cọc.
Chi phí về nước sẽ do người lao động chịu nếu họ không thể hoàn thành thời gian làm việc như trong hợp đồng.
"Lý thuyết là như vậy nhưng các thuyền viên Indonesia không thể rời tàu. Họ phải ở lại trên biển suốt 13 tháng vì chủ tàu không cho phép đến bất cứ cảng biển nào để tiết kiệm chi phí, trừ trường hợp khẩn cấp”, luật sư Kim nói. "Hộ chiếu của họ đã bị thuyền trưởng thu giữ ngay khi họ lên tàu”.
Công ty Đánh bắt Đại dương Đại Liên, chủ sở hữu tàu Long Xing 629 từ chối bình luận về những cáo buộc từ phía chính phủ Indonesia. Công ty có trụ sở ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, chuyên đánh bắt cá ngừ, phục vụ nhu cầu hải sản tươi sống từ Nhật Bản và thị trường trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.