Vừa về bờ sau chuyến biển dài ở ngư trường đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa, ông Mai Thành Phúc - Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa 1, kể lại: Chúng tôi thường xuyên gặp hải đoàn, hải giám của Trung Quốc trên vùng biển của mình. Tàu của họ to, hung hăng lắm nhưng chúng tôi không sợ. Bởi, chúng tôi đang đánh bắt tại vùng lãnh hải của Tổ quốc mình. Ngoài đánh cá, chúng tôi còn có ý thức cản bước tiến của họ khi xâm lấn vào lãnh hải thuộc chủ quyền của đất nước.
|
Ngư dân Khánh Hòa vững vàng bám biển góp phần bảo vệ vùng lãnh hải Tổ quốc (ảnh chụp tại đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa). |
Cũng theo ông Phúc, tàu của Trung Quốc tại khu vực biển Trường Sa đông gấp đôi lượng tàu cá của ta. Nhiều chiếc lớn gấp 10 tàu của ta. “Chúng tôi thà chịu thiệt hại ngư cụ chứ nhất định không lùi bước trước tàu Trung Quốc.
Hiện nay, trừ tàu chở cá vào bờ, toàn bộ tàu của 2 ngư đội Trường Sa và rất đông tàu của ngư dân Việt Nam vẫn vững vàng bám biển, khai thác vụ cá nam (vụ cá chính trong năm) ở ngư trường đảo Nam Yết quần đảo Trường Sa”-ông Phúc khẳng định.
Ngư đội Trường Sa Khánh Hòa được thành lập vào cuối năm 2010 do Hiệp hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá ngừ đại dương Việt Nam khởi xướng với sự hợp tác hỗ trợ của Công ty MTV 128 (Bộ Tư lệnh Hải quân), gồm có 2 ngư đội với 8 tàu con đánh bắt xa bờ của ngư dân, 2 tàu mẹ của Công ty 128. Tàu mẹ có nhiệm vụ cung cấp dầu, nhu yếu phẩm cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời thu mua cá cho tàu con với giá bằng giá đất liền nếu tàu con có nhu cầu. Các ngư đội thực hiện bám biển 8-10 tháng/năm.
Theo ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, về lâu dài sẽ tổ chức phát triển mô hình Ngư đội Trường Sa mà Khánh Hòa đã triển khai. Cả về tính thời sự và lâu dài, đây là một mô hình cần phải được phát huy. Việc thành lập ngư đội phải được pháp lý hóa bằng văn bản của các UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Hải quân để thực hiện.
Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.