Ngực sưng đỏ, đầy mủ sau khi "bịt mắt tiêm filler" cải thiện vòng 1
Ngực sưng đỏ, đầy mủ sau khi bị "bịt mắt tiêm filler" cải thiện vòng 1
Diệu Linh
Thứ hai, ngày 08/05/2023 11:32 AM (GMT+7)
Sau tiêm filler nâng ngực một tháng, người phụ nữ 31 tuổi bị sưng tức ngực hai bên, sốt, kèm đau đớn. Các bác sĩ phát hiện trong ngực bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú...
Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu của Bệnh viện vừa cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị áp xe ngực, hai ngực chứa cả ổ mủ sau khi tiêm filler nâng ngực.
Bệnh nhân là chị T.T.N (31 tuổi, trú tại Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng vú trái khối chắc, ranh giới không rõ, sưng nóng đỏ đau.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây 1 tháng, nghe thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, chị N đã đến một cơ sở spa với mong muốn cải thiện vòng 1.
Chị N trả tiền cho spa 6 triệu để dùng sóng xung kích làm tăng thể tích vú. Tuy nhiên, trong quá trình làm chủ spa lại bảo tình trạng ngực của bệnh nhân cần dịch vụ sóng xung kich cao cấp hơn và yêu cầu đóng 20 triệu, bệnh nhân có thể trả sau, trả góp.
Chị bị spa "bịt mắt", tiêm chất làm đầy không rõ loại, số lượng và cấy chỉ vào ngực. Ngày hôm sau đau ngực, khó thở nổi ban đỏ toàn thân, vào cấp cứu Bệnh viện đa khoa Bắc Thăng Long (Bắc Giang).
Sau 3 ngày ra viện, chị N quay lại spa tiêm tan, rút chỉ, lại bị phát ban, đau ngực vào viện, dùng kháng sinh chống viêm kéo dài gần 1 tháng.
Tuy nhiên, ngực trái của chị N vẫn bị đau tức ngực kéo dài nên chị đến Bệnh viện Quân đội 108 để được thăm khám. Các xét nghiệm cho thấy, ngực chị bị áp xe, viêm tấy.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chích rạch vú trái ra 40 cc dịch vàng đục ở trong và dưới tuyến vú. Thủ thuật được tiến hành thuận lợi và xử trí triệt để, sau khi hút dịch ra khỏi vú trái, phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch lấy khỏi vú bệnh nhân.
Bác sĩ Lưu Phương Lan, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, chất filler mà bệnh nhân tiêm không xác định được có phải là chất được Bộ Y tế hay FDA cấp phép hay không, cũng không rõ đã tiêm vào vị trí nào và số lượng ra sao.
Các bác sĩ chỉ có thể giải quyết được khối dịch rõ ràng nhờ chụp MRI và khám lâm sàng. Trong cơ thể bệnh nhân vẫn có khả năng còn có chất làm đầy trong nhu mô tuyến tiềm tàng chưa gây viêm và hoại tử nhu mô tuyến.
Vì vậy, bệnh nhân N vẫn còn các nguy cơ viêm tấy áp xe vú, viêm xơ tuyến vú về sau.
"Tôi đã gặp nhiều trường hợp viêm tấy áp xe tuyến vú sau tiêm chất lạ vào vú nhiều lần sau 5 năm, 10 năm, 20 năm. Những trường hợp này phải phẫu thuật nhiều lần, khiến cho nhu mô tuyến vú bị tàn phá nặng nề, thậm chí cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú", bác sĩ Lan chia sẻ.
Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tiêm filler
Theo bác sĩ Lan, thời gian gần đây, họ liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler qua những quảng cáo mỹ miều trên mạng xã hội như tiêm sóng xung kích, tiêm mỡ tự thân…tăng vòng 1 ở một số spa, cơ sở thẩm mỹ…
"Đây đều là những thông tin quảng cáo, không được kiểm chứng... Đáng lo ngại là các kỹ thuật này chỉ được thực hiện tại các cơ sở làm đẹp, không được cấp phép phẫu thuật.
Như vậy, quá trình vô trùng không tốt hoặc tay nghề người tiêm filler non yếu có thể dẫn đến nhiều tai biến nặng nề. Đã có không ít trường hợp khi đến vùng ngực đã bị hoại tử nặng phải cắt bỏ toàn bộ ngực để giữ tính mạng", bác sĩ Lan cho biết.
Bác sĩ Lan khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện tiêm filler hay thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, các chị em cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật…
"Chị em không nên thực hiện theo số đông, lời giới thiệu từ người thân quen hoặc quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín.
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng trên hoặc muốn thay đổi kích thước vòng 1 cũng như cải thiện những khuyết điểm vòng 1 của mình thì cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám trực tiếp", bác sĩ Lan chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.