TS, bác sĩ Nguyễn Văn Học, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, viêm cân gan bàn chân là một căn bệnh rất phổ biến, thường ghi nhận ở tuổi trung niên nhưng cũng có thể gặp ở những người trẻ hơn.
Theo TS Học, cân gan chân là phần phía dưới bàn chân. Viêm cân gan bàn chân là tình trạng thường gặp với triệu chứng điển hình là những cơn đau ở phần gót chân và phía dưới bàn chân khi người bệnh bước đi.
Những trường hợp không được điều trị sớm sẽ gây đau gót chân mãn tính, làm cản trở khả năng đi đứng và các hoạt động sinh hoạt của người bệnh.
"Bệnh thường gặp ở những người phải đi bộ nhiều, đứng lâu hoặc có thói quen đi chân đất, đi giầy dép quá cứng, dùng miếng lót giầy không phù hợp, người béo phì, người tập thể dục quá mức, các vận động viên và một số trường hợp là do dị tật vòm gan chân quá cao, co rút cơ cẳng chân", TS Học nhận định.
Theo TS Học, viêm cân gan bàn chân có thể có các triệu chứng như:
- Cảm giác đau nhói vùng gót chân và bên dưới bàn chân.
- Cơn đau thường có mức độ từ nhẹ tới nặng và sẽ tăng dần theo thời gian.
- Cơn đau thường hay xảy ra ở một bên bàn chân, nhưng cũng sẽ có trường hợp đặc biệt xảy ra ở cùng hai bên.
- Cơn đau càng tăng sau mỗi khi ngủ dậy hay có thời gian nghỉ lâu và đột ngột bước đi.
- Cơn đau cũng có thể xuất hiện khi cố gắng co bàn chân hay duỗi chân hết cỡ. Các ngón chân duỗi hướng về phía ống quyển chân, đứng quá lâu hay đi lại sau khi ngồi.
- Cơn đau có thể giảm bớt khi đi bộ nhẹ nhàng,nhưng sẽ tăng nặng hơn khi cố gắng tập luyện thể thao.
- Ngoài ra, cũng có một số triệu chứng hiếm khi xuất hiện như bàn chân bị ngứa râm ran, tê rần, sưng tấy, đau lan rộng.
- Nếu bệnh nhân bị đứt hay rách cơ cân gan chân thì sẽ gặp hiện tượng đau cấp tính, sưng cục bộ.
"Bệnh viêm cân gan chân nếu điều trị không đúng cách như trích rạch không đúng chỗ sẽ gây ra nhiễm trùng hoặc làm cho bệnh có biểu hiện nặng hơn", TS Học cho biết.
Do đó, khi người bệnh gặp các triệu chứng kể trên cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn các phương pháp tập luyện giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn vào vị trí cân gan chân bị đau cũng như hỗ trợ sử dụng thuốc để người bệnh khỏi triệu chứng, giảm đau hoặc không bị tái phát lại nữa.
Để điều trị viêm cân gan chân điều cơ bản là làm cho gót chân nghỉ ngơi hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn khi bị đau nặng. Các trường hợp viêm cân gan chân có thể điều trị nội khoa, rất ít khi phải can thiệp phẫu thuật, tuy nhiên việc điều trị sẽ khó khăn hơn ở những người điều trị muộn.
"Để phòng tránh bệnh, người bệnh cần lưu ý các thói quen đi đứng hàng ngày như: Tránh đi chân đất, đứng lâu, ngồi xổm, đi bộ đường xa; Cần chọn giày dép đế mềm, phẳng;
Giảm cân nặng ở người thừa cân hoặc béo phì và thường xuyên tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sự dẻo dai của bàn chân và cân gan chân", TS Học khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.