Người bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm Dao ở Hòa Bình
Người bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm Dao ở Hòa Bình
Hoài Linh
Thứ ba, ngày 05/03/2024 13:00 PM (GMT+7)
Để chữ Nôm Dao không bị mai một, với những cố gắng và tâm huyết của mình, ông Dương Minh Dũng (SN 1956, dân tộc Dao ở Hòa Bình) miệt mài nghiên cứu, bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm Dao cho các thế hệ sau.
Sinh ra và lớn lên tại Thung Rếch, nay là xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), từ nhỏ ông Dũng đã theo cha học chữ Nôm Dao và được cha truyền dạy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đến nay, dù đã gần bước sang cái tuổi thất thập nhưng hằng ngày, ông Dũng vẫn "nhiệt huyết" như thời trai trẻ, ngày ngày cặm cụi bên những cuốn sách mà cha ông để lại, miệt mài nghiên cứu chữ Nôm Dao với mong muốn đồng bào mình ai cũng biết chữ Dao, từ đó, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Dũng bày tỏ: "Chữ Nôm Dao không chỉ là phương thức dùng để ghi chép tài liệu mà nó còn mang tất cả nét văn hóa, tinh hoa của một dân tộc. Ông cha tôi đã dạy chữ viết cho bà con trong hơn 100 năm qua, đến tôi đã là đời thứ năm rồi. Chữ viết và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên phải gìn giữ, dù khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ vẫn hết lòng vì nó".
Theo ông Dũng, sách Nôm Dao cũng được chia thành nhiều cấp bậc như chương trình học hiện đại, phần lớn nội dung của sách học sẽ viết về địa lý, văn hóa, tâm linh, luật tục, tập tục của người Dao. Hằng năm, người Dao thường tổ chức các nghi lễ cơ bản như Lễ Cấp sắc (lễ đặt tên âm cho con trai đã lập gia đình), Lễ Tạ mả (lễ làm mả giả), Tết nhảy, Lễ Khai quang... Và đặc biệt, đi đầu trong sách dạy chữ Nôm Dao là đạo đức và cách làm người.
Việc giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc Dao đã được nhiều thế hệ của gia đình ông duy trì. Những tài liệu, ghi chép về chữ viết và phong tục tập quán của dân tộc cũng được lưu truyền đến hiện tại.
Kế thừa truyền thống đó, ông Dũng cùng em trai ruột của mình là Dương Tài Linh (SN 1965) cùng nhau mở các lớp dạy chữ Nôm Dao. Đến nay, ông Dũng đã mở được 4 lớp dạy chữ Nôm Dao cho bà con với hơn 100 học viên. Lớp mở gần nhất là vào năm 2019 với 20 học viên và vẫn đang được tiếp tục duy trì.
"Gia đình họ Dương đã nối tiếp nhau 5 đời dạy chữ Nôm Dao, đến nay tôi cũng truyền lại cho 2 người con trai của mình và được họ đón nhận", ông Dũng hạnh phúc nói về điều này.
Gìn giữ và bảo vệ "báu vật" cha ông truyền lại
Ngồi kể về chữ viết của dân tộc mình, ông Dũng liền đứng lên và lấy "báu vật" của đời mình cho phóng viên được mục sở thị, đó là hơn 10 quyển sách chữ Nôm Dao. Tất cả đều đã cũ, có quyển còn bị rách qua thời gian dài sử dụng.
"Đây là số sách mà cha ông đời trước truyền lại, có những quyển đã trên 100 năm tuổi. Sách đã cũ và nhiều phần còn bị nhàu nát, nhiều người bảo tôi chép lại rồi thì bỏ đi, nhưng đây là một báu vật, cũng là di vật các cụ để lại nên tôi hết sức trân quý và giữ gìn", ông Dũng nói.
Không dừng lại ở đấy, ông Dũng còn miệt mài chép lại các cuốn sách, để từ đó có tài liệu dạy học hoặc lưu trữ. Những câu từ được ông viết lại một cách tỉ mỉ không chỉ để dễ đọc mà đây còn là tâm huyết của một đời người, truyền lại cho các thế hệ người Dao sau này.
Ngoài việc dạy chữ, ông Dũng còn là người có uy tín đối với xóm làng, tuyên truyền mọi người tránh xa tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, cùng người dân góp sức đưa xóm người Dao phát triển trong suốt gần 40 năm qua kể từ khi ông xuất ngũ vào năm 1984.
"Nhận thức rõ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng không chỉ có vai trò quan trọng giúp truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt mọi người dân trong thôn, bản đi theo Đảng, Nhà nước nên tôi đã chủ động tìm hiểu thông tin, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu thực hiện tốt để tuyên truyền, giáo dục đồng bào", ông Dũng bộc bạch.
Ông Bạch Công Luyện, Bí thư xã Tú Sơn thông tin, ông Dương Minh Dũng là người đi đầu trong việc lưu giữ và truyền dạy nét văn hóa của dân tộc Dao tại địa phương, đặc biệt là chữ viết. Việc mở lớp chữ Dao giúp ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao được phổ biến rộng rãi, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho ông Dũng và các lớp học được thuận tiện hoạt động. Đồng thời, ông Dũng còn là người có uy tín, hỗ trợ chính quyền tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân.
Qua những đóng góp và tâm huyết với dân tộc, ông Dũng đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh, huyện. Gần đây nhất vào năm 2022, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.