Chiều cao của một người là do DNA quy định. Tuy nhiên những thập kỉ trở lại đây chiều cao của trẻ em và người lớn trên thế giới đã tăng lên, thế hệ sau cao hơn thế hệ trước.
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng chiều cao của một người sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Người cao có ít nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường tuýp 2 hơn người thấp. Tuy nhiên người nào càng cao thì nguy cơ mắc một số bệnh ung thư càng lớn.
“Chiều cao cứ tăng thêm 6.5 cm thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm xuống 6%. Ngược lại, nguy cơ mắc ung thư lại tăng 4%,” giáo sư Matthias Schulze từ Viện dinh dưỡng Potsdam (Đức) cho biết.
Giáo sư Schulze cùng các đồng nghiệp là Norbert Stefan và Hans-Ulrich Häring từ Đại học Tübingen, và Frank Hu từ Đại học Harvard nghi ngờ chiều cao gia tăng là dấu hiệu của tình trạng thừa dinh dưỡng ở người do sử dụng quá mức các thực phẩm giàu protein động vật, trong các giai đoạn tăng trưởng khác nhau.
Người cao dễ mắc ung thư vú
Do tình trạng thừa dinh dưỡng này, cơ thể những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ xuất hiện các hormone tăng trưởng IGF-1 và IGF-2 (yếu tố tăng trưởng tương tự insulin).
Giáo sư Stefan cho biết nhờ các hormone này, những người cao nhạy cảm hơn với insulin và có hàm lượng chất béo trong gan thấp hơn. Điều này lí giải tại sao những người này có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2 thấp hơn.
Các giáo sư cũng giải thích vì trong cơ thể những người cao có hormone IGF-1 và IGF-2 nên họ có nguy cơ cao bị ung thư vú và ruột kết, đồng thời dễ có các khối u sắc tố do tế bào trong cơ thể họ phát triển không ngừng.
Các nhà khoa học ủng hộ việc xem xét các yếu tố tăng trưởng và chiều cao của người trưởng thành nhằm phòng ngừa những căn bệnh trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.