Giấy tờ tùy thân ghi rõ cụ Lê Thị Khơng sinh ngày 14/6/1905, nguyên quán tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo Kỷ lục Guiness thế giới, người cao tuổi nhất thế giới hiện nay là bà Maria Branyas Morera (sinh năm 1907, quốc tịch Pháp). Như vậy, ở tuổi 119, cụ Khơng lớn hơn người nắm giữ kỷ lục này 2 tuổi.
Bí quyết trường thọ của người cao tuổi nhất Việt Nam
Dù sức khỏe có phần suy giảm, thế nhưng khi thấy khách đến thăm, cụ kiên quyết ngồi dậy tiếp chuyện cùng con cháu suốt 2 tiếng hơn. Có những chuyện cụ có thể nói ra tường tận, một số khác lại lắc đầu kêu “quên”, nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp của 7 người con mình, cụ lại kể một cách đầy tự hào: “2 đứa làm y sĩ, 1 đứa bác sĩ, 1 đứa làm quân y, con gái thì làm cô giáo. Giờ đã về hưu hết”.
Ở tuổi 119, cụ có gần 100 người con cháu, người con trai trưởng của bà năm nay cũng đã hơn 90 tuổi. Năm 2015, cụ theo con gái vào TP.Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) sinh sống cho đến nay. Hiện tại, con cháu của cụ có gần 40 người đang sinh sống tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Số còn lại đang cư trú tại Thanh Hóa, Kon Tum...
Mùng 1 và mùng 4 Tết hằng năm là lúc con cháu của cụ tề tựu về ngôi nhà nhỏ. Đó cũng là lúc cụ bà 119 tuổi vui hơn bao giờ hết. Chuyện nuôi dạy từng người khôn lớn được cụ kể vanh vách, không sót một chi tiết nào.
“Tôi nuôi cháu Thành từ nhỏ, cháu Thành là con của một người em nhưng ba mẹ cháu không còn sống cùng nhau. Giờ cháu đã làm việc ở Ủy ban xã”, cụ Khơng kể thành thục.
Khoảng một năm nay, cụ bắt đầu chuyển sang ăn thức ăn mềm, việc chăm sóc cụ Khơng do con gái Đỗ Thị Ninh (82 tuổi) và cháu ngoại Phạm Thị Phú (55 tuổi) đảm nhận. Mỗi ngày, con và cháu cụ nấu 1 nồi cháo với nguyên liệu khác nhau chia đều cho 3 bữa, mỗi bữa một bát cháo lưng. Thỉnh thoảng, người chăm sóc lại thêm vào khẩu phần ăn một lon nước yến, sâm, sữa. Đặc biệt, cụ rất “ghiền” chôm chôm, có thể tự bóc vỏ mà không cần sự hỗ trợ.
Hơn 100 tuổi, cụ vẫn có thể một mình ngồi xe khách hằng trăm cây số từ Thanh Hóa vào Đồng Nai thăm con cháu. Cụ ở chơi vài tháng rồi lặn lội bắt xe trở về Thanh Hóa. Sau này, vì đã lớn tuổi và con cháu khuyên ngăn, những chuyến ngược xuôi Bắc - Nam của cụ cũng dừng lại.
“Không ngờ rằng ở cái tuổi ấy, ngoại vẫn khỏe mạnh và đặc biệt là “gan” đến thế”, chị Phú nói.
Khi được hỏi về bí quyết sống lâu trăm tuổi của cụ bà, bà Ninh trầm ngâm lý giải: "Có lẽ do mẹ tảo tần một đời”. Chồng cụ Khơng là liệt sĩ, tham gia kháng chiến chống Pháp rồi hy sinh vào năm 1954. Chồng mất, cụ vừa làm cha, vừa làm mẹ. 8 mẹ con nương nhờ gánh đậu phụ, bánh khảo nhỏ. Ngày ngày, cụ gánh đậu phụ băng 40km đường rừng đi bán, việc này đã rèn cho bà cụ sự khỏe mạnh, bền bỉ.
“Trước đây, bà gánh đậu phụ đi bán, đi băng qua các đoạn đường rừng ở vùng Thanh Hóa. Cả đường đi lẫn đường về là 40km. Có hôm bà bị gấu tấn công nhưng tránh được, lúc đấy, bà cụ khoảng 55 tuổi và đang mang thai người con thứ 7. Không may là người con trong bụng bị gãy xương đùi, từ đó có tật vĩnh viễn”, ông Sang (cháu ngoại) kể.
Người cao tuổi nhất Việt Nam và lần chết hụt
Trò chuyện hơn 2 tiếng, thỉnh thoảng, các cháu lại khuyên cụ nằm nghỉ cho đỡ mệt nhưng đều bị từ chối. Nhìn thấy đứa cháu trai, cụ còn đưa tay ra bế và chơi cùng đứa nhỏ.
“Nhìn ngoại khỏe thế nhưng thật ra là yếu hơn trước đây nhiều”, bà Ninh tâm sự.
Trước đây, cụ phụ giúp con cháu làm đủ chuyện trong nhà. Khi thì dọn dẹp nhà cửa, khi thì ngồi bổ mít. Theo lời các cháu, cụ có thể ngồi cắt cỏ suốt 4 tiếng rồi vẫn đứng dậy nhẹ nhàng, không hề đau lưng.
“Đôi khi con cháu không cho bà làm vì sợ bà mệt, bà lại giận, trách con cháu y như trẻ con”, chị Phạm Thị Thọ (cháu ngoại) nói vui.
Mọi chuyện thay đổi sau trận ngã vào năm 2018, cụ bị gãy xương bánh chè, hạn chế khả năng di chuyển. Cả nhà cầu cứu bác sĩ, tuy nhiên, vì tuổi cao sức yếu, phẫu thuật là một giải pháp nguy hiểm với bà. Các con, cháu cụ tìm đến giải pháp tạm thời là bó thuốc nam, may mắn thay, cụ lành bệnh sau 3 tháng.
Vừa vuốt mái tóc cụ Khơng, chị Phú vừa cảm thán: “Tóc con, cháu đã bạc nhưng tóc ngoại lại đen và mượt. Từ sau trận ốm “thập tử nhất sinh” đó”.
Trận ốm mà chị Phú nhắc đến là vào 3 năm trước, ngay trong lúc cả nhà đang tất bật chuẩn bị hôn lễ cho con gái của chị Phú. Ngày trước ngày diễn ra đám cưới, cụ đột nhiên ốm nặng. Cả nhà đều tặc lưỡi cho rằng cụ không qua khỏi, vừa khóc vừa lên kế hoạch chuẩn bị cho đám tang. Theo dự định, cụ sẽ được đặt trên chiếc giường thường nằm, sau đó mua thêm một tấm màn mắc ngang để con cháu vào nhìn mặt lần cuối.
Ngày rước dâu, cụ rơi vào hôn mê sâu. Tay chân lạnh ngắt, hơi thở cũng dần biến mất. Lạ lùng thay, lúc đang dọn dẹp nhà chuẩn bị hậu sự, em bà Ninh đưa tay sờ thì thấy cơ thể cụ ấm lên.
“Khoảng 2 tiếng sau, bà cụ bắt đầu có hơi thở. 2 ngày sau thì mẹ khỏe mạnh như chưa có gì xảy ra”, bà Ninh kể.
Ở tuổi 119, bà cụ ít bị ốm vặt, vẫn khỏe mạnh
Sau khi sống lại, bà cụ ăn khỏe hơn trước. Khi thấy con gái đang chuẩn bị bữa trưa, bà cụ thòm thèm nhìn vào mấy cái đầu gà. Biết ý, bà Ninh luộc 5 cái cho cụ Khơng dùng, bà cụ ăn ngon lành chỉ trong chốc lát.
“Cụ ăn giò heo, đầu gà rất ngon lành mặc dù đó là đồ ăn cứng. Thấy mẹ ăn được, con cháu rất mừng”, bà Ninh nói.
Yêu thương con cháu hết lòng, khi thấy gia cảnh chị Phú có phần khó khăn, bà Khơng thường nói: “Khi nào ngoại chết sẽ phù hộ cho con”. Cả gia đình thường thủ thỉ với cụ bà “Cố lên nha ngoại, sống đời với con cháu”.
“Ngoại thương con cháu lắm, dù cháu nhiều nhưng vẫn nhớ được kha khá tên. Con dâu, con rể cũng rất thương cụ”, bà Ninh nói.
Năm 2014, cụ Khơng được nhận thiếp Mừng thọ từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi chuẩn bị bước sang tuổi 110. Bà Đỗ Thị Ninh cho biết, mỗi tháng cụ Khơng được hưởng trợ cấp của Nhà nước số tiền 1,1 triệu đồng. Riêng người chăm sóc cụ Khơng cũng được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.