Người cha nằng nặc đòi xét nghiệm ADN vì 2 con không cùng nhóm máu

Thứ hai, ngày 30/10/2023 08:42 AM (GMT+7)
Sau một lần đi xét nghiệm máu, anh Hà (45 tuổi) phát hiện nhóm máu của con trai là AB, con gái là O, trong khi anh nhóm máu B. Vì thế, anh quyết định đi làm xét nghiệm ADN để khẳng định quan hệ cha con.
Bình luận 0

Cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm, anh Hà (tên nhân vật đã thay đổi) nghiên cứu rất lâu tờ kết quả và hỏi lại chuyên gia tư vấn trong sự nghi ngờ: "Thế cả 2 đứa đều là con tôi à? Chúng là con tôi tại sao chúng lại không cùng nhóm máu với tôi?".

Anh cho biết, từ khi đi thử máu về, anh luôn đứng ngồi không yên, trong lòng đầy buồn bực và nghi kị. Anh không hiểu sao mình có nhóm máu B, mà cả 2 đứa con đều không cùng nhóm máu với anh, con trai là AB, con gái là O.

Sau mấy tuần ở trong tâm trạng thấp thỏm đó, anh quyết định đi làm xét nghiệm ADN để kiểm tra huyết thống.

Anh nảy sinh ý định đi làm xét nghiệm ADN với các con chỉ vì thấy chúng không có cùng nhóm máu với mình chứ không vì lý do gì khác. Vợ anh cũng không có biểu hiện gì khiến anh phải nghi ngờ.

Người cha nằng nặc đòi xét nghiệm ADN vì 2 con không cùng nhóm máu - Ảnh 1.

Đôi khi nhóm máu của trẻ giống với bố mẹ và đôi khi không (Ảnh minh họa: CGAT).

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Hà Nội), đơn vị thực hiện xét nghiệm cho anh Hà, nói: "Anh nhóm máu B, con trai nhóm AB, con gái nhóm máu O. Vậy 2 đứa đúng là con anh rồi".

Theo bà Nga, nếu kiểm tra theo nhóm máu thì hãn hữu cũng có trường hợp có thể kết luận được ngay một đứa trẻ không phải là con một ông bố, nhưng nhóm máu của anh Hà và các con không rơi vào trường hợp đó.

"Có nhóm máu giống nhau chưa chắc đã phải là cha con, trong khi có nhóm máu khác nhau như trường hợp của anh thì lại là cha con. Tất cả những cái đó chính là hệ quả của các quy luật di truyền", bà Nga nói.

Thực tế, mặc dù một đứa trẻ có thể có cùng nhóm máu với bố mẹ nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy.

Ví dụ, cha mẹ có nhóm máu AB và O có thể sinh ra con có nhóm máu A hoặc nhóm máu B. Hai nhóm máu này chắc chắn khác với nhóm máu của cha mẹ. Nhưng cha mẹ nhóm O sẽ luôn có những đứa con mang nhóm máu O.

Như vậy, đôi khi nhóm máu của trẻ giống nhau và đôi khi không. Trừ khi bố mẹ cùng có nhóm máu O mà con lại có nhóm máu A, B hoặc AB thì sẽ là không có quan hệ huyết thống.

"Số lượng nhóm máu rất ít, mà nhân loại có tới 8 tỷ người. Nếu cứ cùng nhóm máu mà cha con của nhau thì một người đàn ông chỉ cần quơ một tay thì đã có cả một đống con, biết ai là con mình, ai là con người khác. Nó cũng vô lý như nếu không cùng nhóm máu mà khẳng định luôn không phải cha con của nhau vậy", bà Nga phân tích.

Bà Nga cũng cho biết thêm, trên đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" khi thực hiện xét nghiệm ADN. Đa phần những trường hợp đến xét nghiệm ADN nhằm mục đích tìm lại, xác định nhân thân gia đình, bố mẹ con ruột.

Có hàng ngàn cuộc đời, số phận xoay quanh xét nghiệm này. Có nhiều người nhờ ADN mà đã cứu vớt được hạnh phúc của mình trước nguy cơ tan vỡ. Tuy vậy, không ít người đau khổ trước sự thật được phơi bày.

Xét nghiệm ADN là phân tích thông tin ADN ở 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều người để xác định mối quan hệ di truyền.

Xét nghiệm huyết thống bằng ADN là cách xét nghiệm chính xác nhất hiện nay. Xét nghiệm ADN bằng bộ 24 gen có độ chính xác cao lên tới hơn 99,99999%. Để thực hiện xét nghiệm ADN, bạn có thể dùng mẫu tóc có chân tóc, móng tay, móng chân, máu đầu ngón tay, niêm mạc miệng, cuống rốn của trẻ mới sinh…

Nguyễn Vy (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem