Người công giáo ở Hòa Bình ăn Tết cổ truyền như thế nào?

Hà Hoàng Thứ bảy, ngày 25/01/2020 13:00 PM (GMT+7)
Tết cổ truyền đối với người Công giáo thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Tết là thời khắc thiêng liêng để người Công giáo đọc kinh cầu nguyện cho một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui. Người Công giáo thể hiện chữ hiếu qua việc đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.
Bình luận 0

Trong ngày đầu xuân năm mới, chúng tôi có dịp tới thăm các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Không khí đón xuân Canh Tý tràn đầy sắc màu tại tất cả giáo xứ từ giáo xứ Hòa Bình cho tới giáo xứ Đồng Gianh, Sì Riệc…

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các giáo xứ giờ đã đổi thay, nhà thờ được xây dựng khang trang, diễm lệ. Con đường vào giáo xứ được tô điểm bằng những hàng hoa lung linh sắc màu. Mọi người tạm gác lại mọi công việc trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ thánh, bàn thờ tổ tiên. Người phụ nữ tất bật với phiên chợ cuối năm, tỉ mỉ sắm sửa hoa tươi, quả ngọt dâng lên tổ tiên…

img

Ông Ngô Văn Nhân chỉnh trang lại bàn thờ để đón Tết Nguyên đán.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hơn 21.000 tín đồ Công giáo gồm 6 giáo xứ, 54 giáo hội thuộc 3 giáo phận: Hà Nội, Phát Diệm và Hưng Hóa. Tín đồ Công giáo phân bố ở 72 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố. Toàn tỉnh Hòa Bình có 12 linh mục, 3 tu sỹ, 19 nữ tu (thuộc các dòng tu Vinh Sơn, dòng tu Thiên An, dòng tu thánh Phaolo, dòng tu mến thánh giá, dòng tu nữ vương truyền giáo...); có 173 chức việc, 6 nhà thờ xứ, 4 nhà thờ họ.

Giáo dân luôn sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước. Người Công giáo Hòa Bình không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn vươn lên trong phát triển kinh tế xã hội.

img

 Thông thường cứ vào ngày mùng 1 Tết, các giáo dân tụ hội về nhà thờ thực hiện Thánh lễ minh niên để cầu bình an trong năm mới.

Ông Ngô Văn Nhân, tổ 12, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, chia sẻ: Gia đình tôi có 7 người con, 15 cháu và 4 chắt. Con cháu đều đi làm ăn xa, chỉ có ngày Tết mới được tập trung, quây quần bên nhau. Vào ngày 29 Tết, trước sân nhà vợ tôi thường chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt lợn, các loại gia vị sẵn sàng để con, cháu và các chắt cùng gói bánh trưng. Sáng 30 Tết, tất cả con cháu trong gia đình đi tảo mộ để thắp hương cho ông bà, tổ tiên và cùng cầu nguyện.

"Đối với người Công giáo chỉ thắp hương tổ tiên bằng hoa tươi, quả tươi với ý nghĩa tôn kính, tưởng nhớ và biết ơn ông bà chứ không với ý nghĩa dâng hoa, quả để ông bà hưởng dùng. Chiều 30 Tết, gia đình tôi tới nhà thờ để cầu nguyện cảm ơn chúa trời đã ban phước cho bản thân, gia đình một năm an lành, đồng thời gửi lên chúa những tâm tình, ước vọng trong năm mới. Sau đó, tôi trở về nhà dành 15 - 20 phút để đọc kinh cầu nguyện tại gia, cầu cho tổ tiên những người đã khuất được an lành. Kết thúc phần nghi lễ cầu nguyện, gia đình tôi quây quần bên mâm cơm tất niên", ông Nhân phân tích.

img

Tết Nguyên đán là dịp để giáo dân đọc kinh cầu nguyện dâng lên chúa trời, tổ tiên với niềm tin về một năm mới sức khỏe, an lành và may mắn.

Linh mục Nguyễn Trung Thoại, giáo xứ Hòa Bình cho biết: Đêm 30 Tết, bắt đầu từ tiếng chuông thứ nhất, khoảng 6 giờ tối, giáo dân trong giáo xứ đã tập trung đầy đủ tại thánh đường để thực hiện Thánh lễ giao thừa. Ý nghĩa của Thánh lễ giao thừa là trao và nhận. Năm cũ trao lại năm mới nhận những điều tốt lành. Thánh lễ giao thừa sẽ kết thúc trước 23 giờ để giáo dân trở về đón giao thừa tại gia đình.

Đối với người Công giáo, ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết là những ngày có niềm vui đặc biệt trong năm. Tất cả giáo dân diện những bộ đồ đẹp nhất, trang trọng nhất với tâm hồn thư thái, hạnh phúc đến nhà thờ để bày tỏ lòng cảm ơn đức chúa trời đã ban cho mình những điều tốt đẹp. Sáng mùng 1 Tết, giáo dân tụ hội về nhà thờ thực hiện Thánh lễ minh niên để cầu bình an trong năm mới. Sau khi thực hiện Thánh lễ các giáo dân sẽ hái lộc xuân, người Công giáo không hái lộc là cành non, chồi non mà hái lộc lời Chúa.

img

Tết cổ truyền đối với người Công giáo thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Tết là thời khắc thiêng liêng để người Công giáo đọc kinh cầu nguyện cho một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui. 

Theo đó, lộc xuân chính là những lời hay, ý đẹp trích dẫn từ Kinh Thánh, được viết ra giấy treo trên cây hoặc đặt trên bàn để bà con giáo dân rút lộc. Lộc xuân được thực hiện theo chủ đề từng năm như: Gia đình, yêu thương, sống phúc âm … Rút được lộc xuân, mỗi người sẽ mang về nhà đặt ở nơi trang trọng và lấy đó làm “kim chỉ nam” cho hành động. Lộc xuân được giáo dân đem về đặt tại nơi trang trọng trong nhà, coi đó như tôn chỉ mục đích sống tốt lành cho cả năm.

Vào ngày mùng 2 Tết, là dịp để giáo dân tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất và còn sống. Người Công giáo tưởng nhớ, biết ơn ông bà bằng việc đọc kinh, dâng việc lành phúc đức để cầu nguyện cho ông bà. Không chỉ có vậy, người Công giáo còn đọc kinh cầu nguyện cho cha mẹ với tâm niệm con cái luôn có hiếu với cha mẹ, vâng lời cha mẹ. Vào mùng 3 Tết, người Công giáo lại dành những lời cầu nguyện tốt nhất cho công việc làm ăn trong năm mới.

Tết Nguyên đán đã trở thành ngày lễ trọng đại của người Công giáo, đây là dịp để giáo dân đọc kinh cầu nguyện dâng lên chúa trời, tổ tiên với niềm tin về một năm mới sức khỏe, an lành và may mắn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem