Sáng 15.7, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng - cho biết ông Tô Đình Cắm (95 tuổi), người duy nhất còn lại trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đã qua đời đêm qua tại nhà riêng ở thị trấn Đạ Tẻh.
Ngành chức năng huyện Đạ Tẻl, Tỉnh đội Lâm Đồng cùng người nhà đang tổ chức lễ tang cho cụ.
Ông Cắm là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hoài Thanh
Ông Cắm, bí danh Tiến Lực, là người dân tộc Tày, sinh ra ở bản Um, xã Tam Kim của huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Năm 1941, ông tham gia cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp.
Ngày 22.12.1944, ông vinh dự là một trong số 34 người tuyên thệ đứng vào hàng ngũ đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1946, ông theo đoàn quân "Nam tiến", đóng quân ở Rạch Giá (Kiên Giang). Trong một trận càn, ông bị thương nặng nên đơn vị đưa ra Đà Nẵng điều trị rồi giải ngũ.
Lúc quân Pháp nhảy dù, thả bom xuống Bắc Kạn năm 1947, ông lại xung phong tái ngũ, giữ chức Trung đội trưởng Trung đội pháo binh. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông giải ngũ về với đời thường và tích cực tham gia công tác địa phương.
Đầu thập niên 1990, ông đưa gia đình vào thị trấn Đạ Tẻl làm kinh tế mới dù khi ấy tuổi đã ngoài 70 và sống ở đây cho đến nay.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Cao Bằng với 34 chiến sĩ, chia làm 3 tiểu đội do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ thì có 29 người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hoài Thanh (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.