Người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm giấy vua ban ở Hà Nội

Nguyễn Linh Thứ tư, ngày 04/05/2022 06:24 AM (GMT+7)
Nghề làm giấy sắc phong truyền thống hơn 600 năm ở Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, đến nay chỉ còn duy nhất một người nắm giữ công thức.
Bình luận 0

Người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm giấy vua ban 

Trong căn phòng nhỏ ở thôn Trung Nha, ông Lại Phú Thạch, 72 tuổi, cặm cụi với cây bút lông nghiên nhũ bạc. Qua nét vẽ tỉ mỉ, bay bổng từng họa tiết rồng, chiện gấm dần hiện ra trên tấm giấy vàng óng, loại giấy chỉ dành cho vua chúa xưa kia ban sắc. 

Lật dở những trang gia phả vàng son của dòng họ, ông Thạch kể, nghề làm giấy sắc hay giấy sắc phong là một nghề truyền thống đã xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVII. Nghề này được cụ Thái Luân đưa về từ Trung Quốc. Cụ lựa chọn truyền nghề đầu tiên là làng Thượng Yên Quyết ( vùng Cầu Giấy ngày nay) nhưng gặp nhiều chuyện không vừa ý, nên chỉ dạy cho dân làng Cót (Hạ Yên Quyết) cách dùng những đầu mẩu vỏ đỗ, làm ra giấy thô.

Người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm giấy vua ban ở Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Lại Phú Thạch, người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm giấy sắc phong ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Linh.

Tiếp đó, cụ sang làng Hồ Khẩu. Tại đây người dân được hướng dẫn cách làm giấy moi. Khi họ tương đối thành thạo, cụ lại chuyển sang làng Động Xã. Làng này được học cách làm giấy quỳ, là thứ giấy để dát vàng quỳ. Cả hai làng này nay đều thuộc phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay. 

Liền đó cụ lại đến làng Yên Thái (Bưởi - tên tục là làng Giấy) dạy cách làm giấy Lệnh, là loại giấy bản khổ tốt, triều đình phong kiến dùng để viết lệnh chỉ. Vì cụ Thái Luân ở đây lâu nên làng Yên Thái phát đạt về nghề này hơn cả. Và làng Nghĩa Đô là nơi cuối cùng mà cụ đến. Tại đây có một người họ Lại đón cụ rất trọng hậu, được cụ truyền cho nghề làm giấy sắc.

Tới thời Chúa Trịnh Tráng, dòng họ Lại mới bắt đầu được ban đặc quyền cho làm giấy sắc phong. Khi ấy, con gái của Chúa Trịnh Tráng là Từ An công chúa gả cho ông Lại Thế Giáp, thấy nhà chồng khó khăn nên đã xin cha và Vua Lê cho họ Lại làm giấy sắc, chuyên cung cấp cho triều đình.

Nhà vua đã ban cho họ độc quyền làm giấy sắc vàng và ban cho tên gọi họ Kim Tiên. Theo thế phả qua các triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn, họ Lại ở Nghĩa Đô liên tục nối tiếp giữ chức Ngự Dung Giám Kim Tiên Cục - quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình.

Tuy nhiên, phải đến 4 đời sau cụ Lại Thế Giáp, nhà họ Lại mới có được tờ giấy sắc chất lượng hoàn hảo. Thời đó triều đình trả một đồng Đông Dương (tương đương một lượng vàng) cho một tờ giấy sắc.

Người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm giấy vua ban ở Hà Nội - Ảnh 2.

Một tấm giấy sắc phong được ông Lại Phú Thạch hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Linh.

Tới giữa thế kỷ XX, trải qua chiến tranh, loạn lạc, triều đại phong kiến nhà Nguyễn chấm dứt, nghề làm giấy sắc phong cũng dần mai một. Theo nguyên tắc, nghề này chỉ truyền cho con trai trưởng, thêm nữa do thời gian dài gián đoạn bởi chiến tranh nên mãi tới năm 2008 ông Lại Phú Thạch mới quyết định phục dựng lại nghề gia truyền.

Mặc dù còn nhớ công thức, nhớ các bước làm nhưng phải mất rất lâu ông Thạch mới thành công bởi để làm ra nguyên liệu chính là giấy dó mất nhiều thời gian và công sức. Để làm ra được 1 tờ giấy gió mất khoảng nửa năm, thế nên nếu làm sai là phải lại phải đợi nửa năm sau mới có thể kiểm định lại chất lượng của tờ giấy khác.

Theo chia sẻ của nghệ nhân, để làm được giấy dó chuẩn, vỏ cây dó được tách ra, đem ngâm nước vôi loãng, rồi đun cách thủy, phân loại sau đó đem giã bằng cối đá đến khi nhuyễn như bùn mới làm thành giấy. Sau khi có được giấy dó, cần những công thức và cách làm bí truyền của gia đình mới có thể tạo nên tờ giấy sắc. Chính vì vậy, giấy sắc chỉ được cung cấp cho triều đình, không bán ra ngoài. 

"Trước đây tôi làm trong nhà nước nhưng sau đó không lo đủ cho gia đình nên tôi nghỉ về làm ngoài một thời gian rồi về hưu. Ở nhà buồn chân buồn tay nên tôi lại nhớ nghề nhà mình, cũng một phần tôi băn khoăn không biết nếu tôi không làm thì còn ai nhớ cái nghề này nữa không", ông Thạch kể lại ngày ông quyết định phục dựng lại nghề gia truyền.

Người già về hưu thường tìm tới những thú vui như nuôi chim, trồng rau, đánh cờ,… thế nhưng ông Thạch lại khác. Ông cho rằng đó là những vui tạm thời, người ta đâu thể ngày nào cũng xoay quanh con cá, mớ rau, với ông dành thời gian chờ đợi tới ngày những tờ giấy dó được hoàn thành sau bao công đoạn vất vả rồi tỉ mỉ tùng chút một vẽ lên những chi tiết như hình rồng, những dòng chữ bằng bạc,… mới là thú vui cả đời.

Ông bảo phải có khiếu vẽ một chút cộng thêm với đức tính tỉ mỉ, nhẫn lại mới làm được nghề này: "Trước kia tôi cũng định thi trường mỹ thuật nhưng cụ thân sinh tôi khuyên nghề này không nuôi nổi mình chứ đừng nói nuôi vợ nuôi con nên tôi mới học nghề khác rồi làm nhà nước. Thế rồi dòng đời đưa đẩy tới lúc về hưu tôi lại được cầm bút mà vẽ".

Nỗi lo nghề thất truyền

Nghề làm giấy sắc của dòng họ Lại cao quý là thế nhưng ở thế kỷ XXI này còn mấy ai chịu bỏ công bỏ sức mà tỉ mẩn làm nữa. Đó cũng là nỗi lo của nghệ nhân Thạch. Giờ đây con người ta cũng có cái nhìn khác về nghệ thuật, bởi giấy sắc làm ra giờ đây chẳng bán được cho ai vì không phải ai cũng có thể dùng được giấy sắc này, nên những người đặt làm giấy sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có khách chỉ đặt ông làm câu đối, vẽ tranh chữ hay mỗi năm có vài ba khách là cá nhân, ban quản lý đình chùa có sắc phong nhưng bị hư hỏng, tìm đến ông để phục dựng lại những văn kiện xưa. Thông qua những văn tự các cụ để lại, qua những văn bản Viện Hán nôm lưu giữ, nhờ bàn tay của nghệ nhân Lại Phú Thạch, nhiều bản sắc phong đã được phục dựng như mới.

Người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm giấy vua ban ở Hà Nội - Ảnh 3.

Làm giấy sắc phong đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết, các nét vẽ đề phải làm thủ công bằng bút lông. Ảnh: Nguyễn Linh.

Loại giấy này trước kia là thuộc hàng cao cấp, chỉ có quan lại, người trong cung đình mới có thể sử dụng bởi chất lượng giấy và độ bền với thời gian của nó. "Hiện nay với công nghệ phát triển, chúng ta vẫn có thể sử dụng các loại giấy hiện đại để làm ra giấy sắc mà không tốn nhiều thời gian, tiền của. Thế nhưng nó sẽ mất đi giá trị truyền thống vốn có khi giấy sắc chỉ được dùng trong cung đình bởi nó có giá trị cao về vật chất cùng như tinh thần, nếu nó trở nên dễ làm và phổ biến thì không còn được gọi là giấy sắc nữa", ông Thạch chia sẻ.

Các người con của ông ai cũng bận rộn với công việc, chính ông không thể biết sau này anh chị có hứng thú với nghề không nhưng hiện tại thì chỉ có mình ông còn yêu còn tận tâm với những tờ giấy sắc này thôi. Ông luôn mong muốn thế hệ trẻ có thể giữ gìn được các nghề truyền thống của cha ông để lại bởi đó là minh chứng cho cả một đại hào hùng. Còn đối với nghề làm giấy sắc của dòng họ cho dù sau này không còn ai có thể làm lại được thì ông cũng chỉ mong con cháu đời sau còn nhớ và còn chắc đến trước kia đã từng có một nghề làm giấy truyền thống quý báu là niềm tự hào của bao thế hệ đi trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem