Người dân Afghanistan khẩn trương sơ tán trong bối cảnh G7 họp ứng phó với Taliban

Thứ tư, ngày 25/08/2021 08:45 AM (GMT+7)
Hôm 24/8, một nhà ngoại giao của NATO cho biết, các nước phương Tây đang làm việc với tốc độ như vũ bão để đưa người dân rời khỏi Afghanistan, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chịu áp lực từ các nhà lãnh đạo G7 khác.
Bình luận 0
 Người dân Afghanistan khẩn trương sơ tán trong bối cảnh G7 họp ứng phó với Taliban - Ảnh 1.

Các gia đình sơ tán lên máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, Afghanistan, ngày 23 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Reuters

Tình trạng hỗn loạn lan rộng gây ra bởi bạo lực đã bao trùm sân bay Kabul, nơi quân đội phương Tây và nhân viên an ninh Afghanistan cố gắng ngăn chặn đám đông đang tìm cách chạy trốn sau khi Taliban chiếm thủ đô Afghanistan vào ngày 15/8.

Các nước đang tiến hành sơ tán, đồng thời cố gắng đáp ứng thời hạn 31/8 đã thỏa thuận trước đó với Taliban về việc rút các lực lượng nước ngoài, một nhà ngoại giao NATO nói với Reuters.

Quan chức giấu tên cho biết: "Mọi thành viên lực lượng nước ngoài đang làm việc với tốc độ nhanh nhất để đáp ứng thời hạn."

Các nhà lãnh đạo của Nhóm bảy quốc gia (G7) - Britain, Canada, Pháp Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ - sẽ gặp nhau vào cuối ngày 24/8 để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Biden đã cảnh báo việc sơ tán sẽ "khó khăn và đau đớn", nhiều điều có thể xảy ra.

Đại diện đảng Dân chủ Mỹ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói với các phóng viên sau cuộc họp báo về Afghanistan, rằng ông không tin việc sơ tán có thể hoàn tất trong 8 ngày còn lại.

Schiff nói: "Tôi nghĩ điều đó rất khó xảy ra, số lượng người cần phải sơ tán vẫn còn quá nhiều."

 Người dân Afghanistan khẩn trương sơ tán trong bối cảnh G7 họp ứng phó với Taliban - Ảnh 2.

Một cô bé cùng gia đình đợi đến lượt để lên chiếc Boeing C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, Afghanistan, ngày 22 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Reuters

Hôm 23/8, một quan chức Taliban cho biết nhóm này sẽ không cho phép gia hạn, mặc dù ông cũng nói rằng các lực lượng nước ngoài có vẻ cũng không cần gia hạn. Washington cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước thềm cuộc họp G7: "Tôi sẽ yêu cầu bạn bè và đồng minh của chúng ta đứng về phía người dân Afghanistan, đẩy mạnh việc hỗ trợ người tị nạn và viện trợ nhân đạo".

Nhiều người Afghanistan lo sợ đất nước sẽ quay trở lại thời kỳ khắc nghiệt của luật Hồi giáo mà Taliban đã thực thi khi nắm quyền từ năm 1996 đến 2001, đặc biệt là việc đàn áp phụ nữ và quyền tự do ngôn luận.

Đã có rất nhiều vụ việc riêng biệt về sự hung hăng và không khoan dung của Taliban được báo cáo trên phương tiện truyền thông xã hội, cũng như các báo cáo về việc Taliban tìm kiếm kẻ thù cũ, làm dấy lên những nỗi sợ hãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, hàng nghìn người Afghanistan đã trở về nhà của họ ở các tỉnh sau khi biết rằng tình hình ở đó "tương đối yên bình", nhà ngoại giao NATO cho biết.

Australia đã sơ tán hơn 50 nữ vận động viên Paralympic Afghanistan và người thân sau khi đảm bảo thị thực cho họ, Australian Broadcasting Corp đưa tin hôm 24/8.

 Người dân Afghanistan khẩn trương sơ tán trong bối cảnh G7 họp ứng phó với Taliban - Ảnh 3.

Một gia đình chuẩn bị lên chiếc Boeing C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, Afghanistan, ngày 22 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo G7 có thể thảo luận một lập trường thống nhất về câu hỏi liệu có công nhận chính phủ Taliban hay không, cũng như tính toán gia hạn các biện pháp trừng phạt để gây áp lực buộc phong trào chiến binh Hồi giáo tuân thủ các cam kết tôn trọng quyền phụ nữ và quan hệ quốc tế.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: "Các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về việc nếu, hoặc khi nào thì công nhận chính quyền Taliban. Họ cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau".

Các nhà lãnh đạo của Taliban đã bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ, bao gồm các cuộc thảo luận với một số kẻ thù cũ trong quá khứ, bao gồm cả cựu tổng thống Hamid Karzai.

Việc các nước khác công nhận chính phủ Taliban sẽ có những hậu quả quan trọng, như cho phép Taliban tiếp cận viện trợ nước ngoài mà chính phủ Afghanistan trước đây từng phụ thuộc.

Biden sẽ phải đối mặt với áp lực từ các nhà lãnh đạo khác trong việc gia hạn thời hạn sơ tán đến 31/8. Pháp cho biết cần thêm thời gian và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 23/8 cho biết G7 cần xem xét có nên tiếp tục quá thời hạn đó hay không.

Mới đây, Biden phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi về việc rút quân, được khởi xướng bởi người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa của ông, Donald Trump, theo một thỏa thuận ký kết với Taliban, và xếp hạng trong cuộc thăm dò dư luận của ông đã giảm.

Lê Phương (Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem