Người dân có quyền quay phim, chụp ảnh lực lượng cảnh sát không?

Hồng Nhân - HN Thứ ba, ngày 16/07/2019 09:46 AM (GMT+7)
Dự thảo thông tư mới của Bộ Công an không nêu rõ người dân có được quyền ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT hay không. Có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý để làm rõ hơn về vấn đề này.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ Công an đưa ra dự thảo quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo dự thảo, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, lực lượng CSGT phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan. Ngoài ra, cán bộ CSGT phải công khai tên, cấp bậc và chức vụ.

img

Bộ Công an đưa ra dự thảo quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: PLO.

Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất công dân có bốn hình thức giám sát đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Thứ nhất, thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với CAND. Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Như vậy, so với Thông tư 54/2009 hiện hành của Bộ Công an, hình thức giám sát thông qua “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông” đã không còn.

Sự thay đổi trên khiến nhiều người băn khoăn rằng với việc bỏ hình thức giám sát như đã nêu, liệu người dân còn được quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm… khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ hay không.

img

Để thực hiện dân chủ thực chất, bền vững thì phải tăng cường sự giám sát hiệu quả của người dân: Ảnh Zing

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Quach Thành Lực cho biết, đối chiếu các căn cứ được nêu trên đây có thể nhận thấy việc dự thảo này không áp dụng hình thức giám sát thông qua “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông” hoàn toàn có thể dẫn đến việc người dận hiểu rằng có sự hạn chế quyền giám sát của người dân với hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND.

"Nội dung dự thảo chưa rõ ràng, đối chiếu với quy định trên hoàn toàn có thể đi đến nhận định loại bỏ phương tiện hữu hiệu, có giá trị nhất của người dân với hoạt động của cán bộ chiến sĩ đó là ghi nhận trực tiếp tại hiện trường, thông qua các phương tiện ghi âm ghi hình", vị luật sư cho biết. 

Bên cạnh đó, luật sư Lực cho rằng, để rõ hơn vấn đề này, các cơ quan chức năng không nên giới hạn hình thức giám sát trong một số hành động nhất định của người dân.

"Người dân có quyền thực hiện mọi biện pháp giám sát phù hợp với quy định pháp luật đảm bảo không ảnh hưởng đến công vụ, danh dự, nhân phẩm của người thực thi công vụ, người dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền giám sát".

img

Người dân có quyền thực hiện mọi biện pháp giám sát phù hợp với quy định pháp luật đảm bảo không ảnh hưởng đến công vụ, danh dự, nhân phẩm của người thực thi công vụ. Ảnh: Tiền Phong.

Còn theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, công dân nếu có giám sát hoạt động của cảnh sát nói riêng hay của các lực lượng chức năng khác thì không vi phạm pháp luật vì pháp luật không cấm, nhưng công dân không được gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

Nếu có hành vi cản trở người thi hành công vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại điều 330 tại Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017.

"Nếu công dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" là nhằm đưa thông tin xuyên tạc, phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc có thể bị xử lý hình sự", luật sư Tuấn nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem