Người dân có thể kiện, yêu cầu nam tiếp viên hàng không bồi thường trong trường hợp nào?

Hiếu Đam Thứ bảy, ngày 06/03/2021 09:12 AM (GMT+7)
Ngay khi có bản án xác định hành vi trái pháp luật nam tiếp viên hàng không, thì người bị cách ly, thiệt hại do bị cách ly, nếu có cơ sở đủ chứng minh, thì họ có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bình luận 0

Nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh gây thiệt hại hơn 4,4 tỷ đồng 

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM, đề nghị truy tố Dương Tấn Hậu (28 tuổi) - bệnh nhân 1342, là nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240 bộ luật Hình sự (BLHS).

Dương Tấn Hậu bị đề nghị truy tố theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS, khung hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Liên quan đến hành vi vi phạm của mình, Hậu khai nhận toàn bộ. Đồng thời Hậu biết Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không được ra khỏi nơi ở trong thời gian cách ly, nhưng do chủ quan và nghĩ mình không bị bệnh nên Hậu đã vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung và nơi ở dẫn đến làm lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng.

nam tiếp viên hàng không.jpg

Nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh đã gây thiệt hại hơn 4,4 tỷ đồng

Về tính chất, mức độ thiệt hại trong vụ án, Sở Y tế đã xác định thiệt hại từ việc Hậu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là gần 2,8 tỉ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2 của Dương Tấn Hậu.

Về chi phí đã sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp do tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính liên quan trong vụ án, UBND TP.HCM và các quận/huyện xác định chi phí chi ra là hơn 1,6 tỉ đồng.

Từ đó, CQĐT xác định toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ này là hơn 4,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, CQĐT xác định vụ án còn có thiệt hại do nam tiếp viên hàng không VNA gây ra còn là thiệt hại phi vật chất là việc cách ly đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn TP.HCM, gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà.

Người chịu ảnh hưởng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do nam tiếp viên hàng không gây ra

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh) cho biết, quy định tại khoản 2 điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Vì vậy, những người được xác định bị nhiễm Covid-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí.

Ngoài ra, trong trường hợp người bị nhiễm Covid-19 là người lao động và phải ngưng việc thì sẽ được nhận tiền lương ngưng việc theo quy định tại khoản 3 điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012 với số tiền không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Người dân có thể kiện, yêu cầu nam tiếp viên hàng không bồi thường trong trường hợp nào? - Ảnh 3.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh).

Ngay khi có bản án xác định hành vi trái pháp luật của Dương Tấn Hậu, thì người bị cách ly, thiệt hại do bị cách ly, mà có cơ sở chứng minh, thì họ có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do Hậu gây ra, còn việc giải quyết như thế nào thì do Tòa án quyết định.

Trong trường hợp, nếu có đầy đủ các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 điều 584 BLDS năm 2015: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là "hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại" thì người bệnh có quyền cầu Tòa án buộc đối tượng có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào khoản 5 điều 275 Bộ luật Dân sự 2015 thì căn cứ phát sinh nghĩa vụ như sau:

Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

Chỉ cần cá nhân/hộ kinh doanh/doanh nghiệp chứng minh được rằng những thiệt hại do đình trệ việc kinh doanh, sản xuất khi bị cách ly xuất phát từ chính hành vi không khai báo hoặc khai báo dịch bệnh không trung thực này thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt.

Việc chứng minh dựa trên các yếu tố sau: Thứ nhất, chứng minh được có tồn tại hành vi không khai báo hoặc khai báo dịch bệnh không trung thực từ cá nhân dẫn đến việc cách ly toàn khu vực.

Thứ hai, chứng minh bản thân cá nhân/hộ kinh doanh/doanh nghiệp thuộc khu vực đang bị cách ly và có thiệt hại xảy ra (ví dụ: thiệt hại do việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thiệt hại về kính tế...).

Thứ ba, chứng minh thiệt hại về sản xuất, kinh doanh xuất phát từ nguyên nhân là hành vi không khai báo hoặc khai báo dịch bệnh không trung thực đó (mối quan hệ nhân quả).

Trong khi đó, hành vi không khai báo hoặc khai báo dịch bệnh không trung thực là hành vi trái pháp luật, sẽ được xét xử và có bản án trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem