"Người dân kêu rất nhiều chuyện phải phong bì mới giải quyết việc"

Đình Dương Thứ tư, ngày 18/10/2017 13:43 PM (GMT+7)
“Thế nào là khẩn, là phê, là duyệt… Anh đem một giấy của gia đình công dân tới Ủy ban xã rồi ông Chủ tịch phê: Cháu Nguyễn Văn A tình trạng thế này, thế khác… Tại sao anh phê trong một hồ sơ công mà lại gọi là cháu, con”, Thủ tướng nêu ví dụ trong buổi khai giảng năm học mới của Học viện Hành chính quốc gia sáng nay.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Học viện Hành chính quốc gia sáng nay. (Ảnh: VGP)

Sáng nay 18.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ).

Chưa nhiều cán bộ hiểu về hành chính

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá qua 58 năm thành lập và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đã đạt nhiều thành tích, đã bồi dưỡng, đào tạo hệ thống cán bộ hành chính nhà nước với số lượng lớn và liên tục, qua đó, đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. Học viện đã bước đầu khẳng định uy tín, vai trò của một trung tâm đào tạo về hành chính nhà nước hàng đầu của nước ta hiện nay.

Đề cao vai trò của Học viện, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay khi số lượng rất đông là cử nhân, kỹ sư chuyên ngành, có học hàm, học vị các loại nhưng ít hiểu hay chưa hiểu hết về hành chính. Vì vậy, với nhiều công chức, ngay việc văn bản hành chính thế nào cho đúng cũng là vấn đề rất lớn.

“Thế nào là khẩn, là phê, là duyệt… Anh đem một giấy của gia đình công dân tới Ủy ban xã rồi ông Chủ tịch phê: Cháu Nguyễn Văn A tình trạng thế này, thế khác… Tại sao anh phê trong một hồ sơ công mà lại gọi là cháu, con”, Thủ tướng lấy ví dụ và cho rằng cán bộ, công chức, viên chức không được đào tạo, bồi dưỡng thì sẽ hẫng hụt.

“Đi lòng vòng, phải phong bì phong bao mới giải quyết công việc hành chính, người dân kêu ca cái này rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến các quốc gia nhiều cơ hội, thách thức, tạo ra thay đổi căn bản trong quản lý, trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, phải có những thay đổi trong quản trị quốc gia để tận dụng thời cơ, không bỏ mất cơ hội, không nằm ngoài tiến trình phát triển của thế giới.

"Quản trị quốc gia phải tạo được động lực khởi nguồn cho những ước mơ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nên những thế hệ doanh nhân, nhà kỹ nghệ, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

“Nếu chúng ta không bám vào xu hướng thời đại, xa rời thời đại, thì chúng ta lạc hậu trong sự phát triển của Học viện”, Thủ tướng nói. Trên nền tảng đường lối cải cách, đổi mới của đất nước, Học viện phải thay đổi về đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính.

img

Thủ tướng hỏi chuyện các sinh viên nước ngoài đang học tập tại Học viện. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng khẳng định một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện việc đổi mới sáng tạo khởi nghiệp thì trước hết đội ngũ cán bộ công chức viên chức phải có tinh thần kiến tạo, liêm chính, trách nhiệm.

Cán bộ học ở Học viện Hành chính Quốc gia phải là cán bộ không những giỏi chuyên môn mà còn trong sạch, liêm chính, phục vụ nhân dân, vấn đề này phải đặt ra trong quá trình đào tạo.

“Đi lòng vòng, phải phong bì phong bao mới giải quyết công việc hành chính, người dân kêu ca cái này rất nhiều”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo ra thế hệ nhà lãnh đạo quản lý có tính tiên phong

Với tinh thần cải cách, đổi mới hội nhập, trước yêu cầu một lớp cán bộ liêm chính phục vụ đất nước, nhân dân, Thủ tướng đề nghị Học viện cần tích cực, chủ động đồng hành cùng Chính phủ, cùng các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước với một số nhiệm vụ trọng tâm.

img

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ của Học viện Hành chính quốc gia. (Ảnh: VGP)

Đó là tiếp tục đổi mới mô hình, cơ cấu, tổ chức của Học viện, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hành chính công, chính sách công, quản trị công. Cần có tầm nhìn xa, lộ trình 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa để định hình con đường phát triển của Học viện và phấn đấu xây dựng Học viện thành một trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm khu vực.

Mục tiêu đào tạo bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trung thành với Đảng, Nhà nước, tận tụy phục vụ nhân dân, trong sạch, không tham nhũng, lãng phí, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại, hội nhập và khởi nghiệp. Học viện cần phát huy truyền thống, tạo ra thế hệ nhà lãnh đạo quản lý có tính tiên phong, có tầm nhìn chiến lược cho đất nước, cho cơ quan đơn vị và các cấp hành chính.

“Thủ tướng và các Bộ trưởng phải nhận được các đề tài nghiên cứu của các đồng chí về khoa học hành chính, đổi mới sáng tạo chứ không phải chỉ có giáo trình bình thường hàng ngày các đồng chí lên lớp”.

Cán bộ giảng viên của Học viện không chỉ là người thầy giỏi về lý thuyết mà còn nắm chắc thực tiễn quản lý nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhân dịp này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ Học viện, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đồng thời tạo cơ chế thu hút tốt hơn những trí thức, kể cả trí thức ở nước ngoài tham gia giảng dạy trong các lĩnh vực chính sách công, quản trị công, hành chính công tại Học viện.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xác định chuẩn đầu ra, xây dựng các cấp độ năng lực cho mỗi chương trình đào tạo cụ thể có sự lượng hóa cần thiết, có thể so sánh, kiểm tra và đánh giá. Phát triển kỹ năng thực hành, phân tích, đánh giá, dự báo và xử lý tình huống thực tiễn, đặc biệt chú ý cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ trong quá trình đào tạo.

img

Thủ tướng đánh trống khai mạc năm học mới tại  Học viện Hành chính quốc gia. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng lưu ý Học viện phải có lộ trình, bước đi để có bộ máy, đội ngũ tinh gọn, hiệu quả. Học viện phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức), phải làm gương về cải cách bên trong, nhất là số đầu mối.

Nhấn mạnh yêu cầu về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, Thủ tướng cho rằng: “Thủ tướng và các Bộ trưởng phải nhận được các đề tài nghiên cứu của các đồng chí về khoa học hành chính, đổi mới sáng tạo chứ không phải chỉ có giáo trình bình thường hàng ngày các đồng chí lên lớp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem