Cùng Thủ tướng nhắn tin ủng hộ người nghèo

Đình Dương Thứ hai, ngày 16/10/2017 14:20 PM (GMT+7)
“Trong giờ phút này, tôi kêu gọi tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”, Thủ tướng kêu gọi.
Bình luận 0

img

Thủ tướng kêu gọi tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tối 15.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cầu truyền hình trực tiếp "Chung tay vì người nghèo" năm 2017 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với 2 điểm cầu truyền hình là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).

Cùng dự tại 2 đầu cầu còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Chương trình với thông điệp "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" là sự kiện mở đầu cho tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17.10 - 18.11).

Hoan nghênh Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì tổ chức Chương trình rất có ý nghĩa đối với người nghèo và vùng nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

img

Thủ tướng: Chúng ta cần tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo một cách có trách nhiệm và tình thương, chia sẻ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu rõ, trong suốt 72 năm qua, xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 1992 đến nay, mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cùng dành sự ủng hộ rất to lớn đối với công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2011-2015, riêng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” trên 5.000 tỷ đồng. Xây dựng hàng nghìn căn nhà “Đại đoàn kết”, giúp hàng triệu người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, của toàn xã hội được nhân lên, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo. Tiếp tục vun đắp, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái mang giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Cùng với thành tựu phát triển chung, to lớn của đất nước, công tác giảm nghèo cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về giảm nghèo.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước vẫn còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đăc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đảng, Nhà nước ta đã đề ra phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết.

img

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhìn nhận đây là việc làm rất khó khăn, nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực và nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng nói: Hôm nay chúng ta đang ở đây, trong khi hàng nghìn đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt tàn phá. Nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà do bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Đó là đồng bào của chúng ta, một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo một cách có trách nhiệm và tình thương, chia sẻ. Nghĩ về đồng bào với những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống lại càng thôi thúc chúng ta phải làm hết mình để quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

“Trong giờ phút này đây, tôi kêu gọi tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”, Thủ tướng kêu gọi.

Được biết, tại chương trình, các nhà hảo tâm đã cam kết ủng hộ số tiền hơn 264 tỷ đồng dành cho người nghèo, kể cả các nguồn hỗ trợ đầu tư các dự án vì người nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem