Romualdo Macedo Rodrigues nói với Record TV, một đài truyền hình Brazil, rằng anh bắt đầu chuyến đi đánh cá kéo dài 3 ngày thì tàu bất ngờ bị chìm, The Independent đưa tin. Không biết bơi, anh ta chui vào bên trong chiếc tủ đông và trôi dạt trên Đại Tây Dương trước khi được cứu.
"Tôi thấy chiếc tủ đông vẫn đang nổi. Vì vậy, tôi chui vào bên trong", Rodrigues nói với Record TV. "Chiếc tủ đông đó đã cứu tôi. Đó là một phép màu... Tôi từng nghĩ mình sẽ không còn sống để kể câu chuyện này, nhưng tôi đã trở lại đây".
Rodrigues không có thức ăn hoặc nước uống trong thời gian ở trong tủ đông, và giảm khoảng 5 cân. Anh cũng cho biết đôi mắt của mình đã bị "tổn thương do nắng và gió", và cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, tờ The Independent cho biết.
Có thời điểm, một đàn cá mập đã bơi vòng quanh tủ đông.
"Mỗi ngày, tôi đều nghĩ về mẹ tôi, cha tôi và tất cả gia đình. Điều đó đã cho tôi sức mạnh và hy vọng...", Rodrigues nói.
May mắn thay, một nhóm ngư dân cuối cùng đã cứu được Rodrigues ngoài khơi bờ biển Suriname, "cách nơi anh bị chìm 450km", The Independent cho biết.
Theo Seafarers 'Rights International (SRI), một tổ chức "nghiên cứu chiến lược" cho ngành hàng hải, "ngư dân có nhiều khả năng mất mạng tại nơi làm việc hơn so với những ngành nghề khác".
Tổ chức này cho biết: "Ở Anh, nơi các quy tắc an toàn rất chặt chẽ, tai nạn chết người ở những người đánh cá lớn gấp 115 lần so với lực lượng lao động nói chung từ năm 1996 đến 2005. Còn ở Mỹ vào năm 2000, tỷ lệ tử vong tại nơi làm việc của những người đánh cá cao gấp 25-30 lần tỷ lệ trung bình cả nước".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết việc xem xét dữ liệu đánh bắt cá của Mỹ từ năm 2000-2015 cho thấy gần một nửa số ca tử vong do đánh cá xảy ra do thảm họa tàu thuyền, 30% xảy ra do ngư dân bị ngã và 12% là do chấn thương trên tàu.
CDC khẳng định: "Đánh bắt cá thương mại là một trong những nghề nguy hiểm nhất ở Mỹ".
Newsweek đã liên hệ với CDC để biết thêm thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.