Người dân tự chẩn đoán bệnh bằng trợ lý ảo

Diệu Linh Thứ tư, ngày 30/12/2020 06:15 AM (GMT+7)
Hiện nay, thông qua chuyển đổi số, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Toàn bộ hoạt động quản lý văn bản điều hành cũng được thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.
Bình luận 0

Sáng 29/12, tại phiên khai mạc hội nghị Chuyển đối số y tế quốc gia, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, khi chuyển đối số toàn diện ngành y tế, mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng với hồ sơ sức khoẻ điện tử riêng được cập nhật liên tục. Nhờ có hồ sơ sức khỏe điện tử, các bác sĩ sẽ dễ dàng kiểm tra tình hình sức khỏe của người dân để tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho mỗi người được tốt hơn.

Ông Tuyên chia sẻ, trong đợt Covid-19 vừa qua, để thuận lợi cho quá trình chống dịch, toàn ngành y tế đã có sử dụng công nghệ thông tin vào nhiều hoạt động khám chữa bệnh, phòng dịch, truy vết F1…

Người dân tự chẩn đoán bệnh bằng trợ lý ảo - Ảnh 1.

Các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội xem hình ảnh chiếu chụp chẩn đoán bệnh của bệnh nhân qua điện thoại, máy tính.

Hiện nay, thông qua chuyển đổi số, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Toàn bộ hoạt động quản lý văn bản điều hành cũng được thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.

Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế cũng khai trương cổng công khai y tế để giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu và giám sát toàn bộ thông tin về giá thuốc, giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế. 100% cơ sở y tế hiện nay trên cả nước triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, dùng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong điều trị, phẫu thuật hay áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, hơn 1.300 cơ sở y tế đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc vào hoạt động.

Theo ông Tuyên, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% cơ sở y tế thanh toán không dùng tiền mặt; 100% thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử và 15% trên tổng số bệnh viện (210 bệnh viện) chuyển đổi số thành công.

"Thông qua chuyển đổi số, người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua ứng dụng và các trợ lý ảo. Thậm chí, mọi người còn tự theo dõi, phát hiện tình trạng sức khoẻ của mình dựa vào các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động)" - ông Tuyên nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem