Người được thuê chặt tay chân có nguy cơ ngồi tù

Xuân Lực Thứ năm, ngày 25/08/2016 13:25 PM (GMT+7)
Dù được chị N. thuê chặt tay chân nhưng hành vi của anh D. là trái pháp luật, có dấu hiệu hình sự và anh này có thể phải ngồi tù.
Bình luận 0

img

Anh D. tường trình tại cơ quan điều tra.

Vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khám phá vụ việc chấn động, chị Lý Thị N. (30 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê  Doãn Văn D. (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ) chặt chân, tay của mình rồi tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông đường sắt nhằm trục lợi bảo hiểm.

Theo khai nhận của chị N. và anh D., hai người thỏa thuận, chị N. trả cho anh D. số tiền 50 triệu đồng để chặt chính tay, của mình.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Minh Bạch) cho biết, hành vi của anh D. đặc biệt nguy hiểm bởi nó đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của con người.

“Hiến pháp 2013 nói rất rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Dù được chị N. thuê nhưng điều đó không có nghĩa anh D. được phép xâm phạm sức khỏe chị N. bởi pháp luật hiện hành của Việt Nam cấm mọi hành vi xâm phạm sức khỏe người khác và cũng chưa có điều luật nào cho phép giúp người khác chết hoặc hủy hoại thân thể”, luật sư Tuấn Anh nói.

Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 104 Bộ luật Hình sự nêu: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân. 

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, hành vi của anh D. là có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự. Hành vi này để lại hậu quả nặng nề khiến chị N. bị cố tật, cụt một phần tay và chân.

Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý hình sự đối với anh D., chị N. phải giám định thương tích ở cơ quan chuyên môn.

“Với việc chị N. bị cố tật ở tay chân thì chỉ cần chị N. giám định sức khỏe thì anh D. có thể bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”, bởi theo Khoản 1, Điều 104, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, nếu như hành vi của anh D. chỉ rơi vào khoản 1 với tỷ lệ thương tích dưới 11% thì bắt buộc chị N. phải có đơn đề nghị xử lý thì cơ quan điều tra mới có căn cứ khởi tố vụ án hình sự đối với anh D.

Trong trường hợp, thương tích chị N. được xác định từ 11% cộng với việc các dấu hiệu chị N. gặp cố tật nhẹ và anh D. sử dụng hung khí nguy hiểm thì cơ quan điều tra sẽ không cần đơn đề nghị của chị N vẫn có đủ căn cứ khởi tố hình sự”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cho rằng, hành vi của cả chị N. và anh D. đều quá nguy hiểm và may mắn không xảy ra án mạng.

“Chị N. quá mạo hiểm khi thuê người chặt tay, chặt chân mình vì việc này hoàn toàn có thể khiến chị tử vong. Còn anh D. đã may mắn khi chị N. sống sót và chỉ bị cố tật. Nếu xảy ra án mạng, anh D. có thể sẽ phải ngồi tù về hành vi “Cố ý gây thương tích dẫn tới chết người”, người phạm tội này có thể bị phạt tới 15 năm tù giam”, luật sư Tuấn Anh phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem