Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene cho biết: “Chúng tôi xác nhận một công dân Indonesia là cô Kimkim Komalasari, đã chết do bị người chủ Saudi Arabia ở thành phố Abha gây ra. Chúng tôi bày tỏ sự kịch liệt lên án hành động ghê tởm của người sử dụng lao động Saudi Arabia”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Saudi Arabia Teuku Faizasyah cho biết các quan chức đã không xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ giúp việc này.
|
Người dân Indonesia biểu tình trước sứ quán Saudi Arabia ngày 19-11. |
Theo ông Tene, ông chủ Saudi Arabia bị nghi ngờ đã tấn công người giúp việc cho đến chết và hiện đang bị cảnh sát thẩm vấn. Lãnh sự quán của Indonesia ở Jeddah cũng đã cử một quan chức đến thành phố Abha để tìm hiểu tình hình.
Ngày 19-11, rất nhiều người dân Indonesia đã kéo đến trước đại sứ quán Saudi Arabia để biểu tình đòi công lý cho người giúp việc Indonesia, đồng thời yêu cầu chính phủ Indonesia ngừng đưa lao động nữ Indonesia sang Saudi Arabia và đưa những người Indonesia đang làm giúp việc ở Saudi Arabia trở về nước an toàn.
Vụ việc này xảy ra đúng vào thời điểm, một người giúp việc khác của Indonesia vừa hồi phục sau khi bị bà chủ người Saudi Arabia đánh đập dã man. Cô Sumiati Binti Salan Mustapa, 23 tuổi bị bà chủ người Saudi Arabia rạch mặt, cắt môi, cắt da đầu và nung sắt nóng vào người.
Tổng thống Indonesia Yudhoyono cho biết một nhóm điều tra sẽ tới Saudi Arabia. "Tôi muốn điều tra những thông tin vô cùng sốc về những gì đã xảy ra với người Indonesia của chúng ta ở Saudi Arabia", ông Yudhoyono cho biết trong một cuộc họp nội các.
Một quan chức tại sứ quán Indonesia ở Saudi Arabia cho biết vụ việc đã được thông báo cho cảnh sát nước sở tại, song hiện họ chưa nhận được câu trả lời nào.
Hiện có đến xấp xỉ 1,5 triệu người giúp việc đến từ các nước châu Á ở Saudi Arabia. Việc họ có được đối xử tốt hay không phụ thuộc nhiều vào may mắn hơn là pháp luật. Hầu hết hộ chiếu của người giúp việc đều bị chủ nhà thu giữ.
T.V
Theo CNN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.