Ông Pandit trao quà cho thành viên bộ lạc Sentinel vào năm 1991
Nhà nhân chủng học người Ấn Độ T.N.Pandit dường như là người biết rõ nhất về bộ lạc Sentinel.
Là quan chức thuộc Bộ Vấn đề Bộ lạc Ấn Độ, trong nhiều thập kỷ qua, ông Pandit đã đến gần hòn đảo nơi cộng đồng cô lập này sống.
Bộ lạc Sentinel, những người sống trong sự cô lập gần như hoàn toàn trong hàng chục ngàn năm, đã trở thành tiêu điểm toàn cầu vào tuần trước sau khi được cho là đã giết một người Mỹ 27 tuổi - nhà truyền giáo cố gắng liên lạc với họ.
Nhưng ông Pandit, 84 tuổi, cho biết theo kinh nghiệm của mình, nhóm người này phần lớn "yêu hòa bình" và nhận xét họ “đáng sợ” là không công bằng.
"Trong những lần tương tác, họ đe dọa chúng tôi nhưng không bao giờ đến mức làm bị thương hoặc giết chúng tôi. Bất cứ khi nào họ kích động, chúng tôi đều lùi lại", Pandit nói với BBC.
"Tôi cảm thấy rất buồn vì cái chết của chàng trai trẻ đến từ Mỹ. Nhưng anh ấy đã phạm sai lầm. Anh ấy có đủ cơ hội để tự cứu mình. Nhưng anh ấy cứng đầu và trả giá bằng mạng sống".
John Allen Chau, 26 tuổi, được tin là đã bị bộ lạc giết bằng cung tên
Pandit lần đầu ghé thăm đảo Bắc Sentinel, nơi chỉ có bộ lạc sinh sống, vào năm 1967 cùng đội thám hiểm.
Ban đầu người Sentinel trốn trong rừng khi thấy người lạ. Nhưng trong các chuyến viếng thăm sau, họ bắt đầu bắn cung tên về phía người lạ.
Ông nói rằng các nhà nhân chủng học mang theo một số vật dụng để cố gắng giao tiếp với bộ lạc.
"Chúng tôi mang quà bao gồm xoong nồi, rất nhiều dừa, các dụng cụ bằng sắt như búa và dao. Chúng tôi cũng mang theo ba người đàn ông Onge (một bộ lạc địa phương khác) để giúp chúng tôi phiên dịch lời nói và hành vi của người Sentinel", Pandit nhớ lại.
"Nhưng các chiến binh Sentinel đối mặt với chúng tôi với khuôn mặt giận dữ và hung tợn, trang bị đầy đủ cung tên và mũi tên dài, tất cả dùng để bảo vệ đất của họ”.
Những hình ảnh hiếm về bộ lạc Sentinel
Mặc dù các chuyến viếng thăm này ít thành công, các nhà nhân chủng học vẫn để lại quà để thử xây dựng mối quan hệ với cộng đồng bí ẩn.
Trong một trường hợp, một con lợn sống rõ ràng là không được bộ lạc đánh giá cao. Họ nhanh chóng đâm con vật đến chết và chôn nó dưới cát, theo Pandit.
Cố gắng giao tiếp
Sau một vài cuộc thám hiểm, bước đột phá đầu tiên của các nhà nhân chủng học là vào năm 1991 khi bộ lạc ra bờ biển để tiếp cận các nhà khoa học một cách hòa bình.
"Chúng tôi không hiểu vì sao họ cho phép chúng tôi", Pandit nói. "Họ quyết định gặp chúng tôi, cuộc gặp diễn ra theo yêu cầu của họ".
"Chúng tôi nhảy ra khỏi thuyền và đứng trong nước sâu đến cổ, trao tặng dừa và những món quà khác. Nhưng chúng tôi không được phép bước lên đảo của họ”.
Pandit nói rằng ông không quá lo lắng về việc bị tấn công, nhưng luôn thận trọng khi ở gần họ.
Các thành viên trong nhóm của ông họ đã cố gắng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu với người Sentinel nhưng không thành công vì phần lớn thành viên bộ lạc đang tập trung vào số quà tặng.
"Họ nói chuyện với nhau nhưng chúng tôi không thể hiểu được ngôn ngữ của họ. Nghe giống như ngôn ngữ của các bộ lạc khác trong khu vực", Pandit nhớ lại.
Pandit nói rằng ông không quá lo lắng về việc bị tấn công, nhưng luôn thận trọng khi ở gần họ.
Không được chào đón
Trong một cuộc gặp mặt căng thẳng, một thành viên trẻ của bộ lạc đã đe dọa Pandit.
"Khi tôi đưa dừa cho họ, tôi hơi tách ra một chút so với nhóm của tôi và bắt đầu đi đến gần bờ", ông nói với BBC.
"Một chàng trai Sentinel trẻ đã làm mặt buồn cười, cầm dao của anh ta và ra hiệu cho tôi rằng anh ta sẽ cắt đầu tôi. Tôi ngay lập tức quay về chiếc thuyền và rút lui nhanh chóng.
"Cử chỉ của chàng trai rất quan trọng. Ý của cậu ấy rõ ràng là tôi không được chào đón”.
Từ đó đến nay, chính phủ Ấn Độ đã dừng các cuộc thám hiểm tặng quà và những người bên ngoài bị cấm tiếp cận hòn đảo.
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm căng thẳng với người Sentinel, ông Pandit phản đối việc gọi bộ lạc này là đáng sợ.
"Đó là cách nhận định không chính xác. Chúng ta là những kẻ xâm lược ở đây", ông nói với Indian Express. "Chúng ta là những người đang cố gắng bước vào lãnh thổ của họ”.
"Sentinel là những người yêu hòa bình. Họ không tìm cách tấn công người dân. Họ không đến những vùng lân cận và gây rắc rối. Đây chỉ là một sự việc hiếm", ông nói với BBC về vụ thanh niên Mỹ bị giết.
Pandit ủng hộ tái thiết lập các chuyến thám hiểm tặng quà cho bộ lạc, nhưng nói rằng họ không nên bị quấy rầy.
"Chúng ta nên tôn trọng mong muốn được ở một mình của họ", ông nói.
Đây cũng là quan điểm của các nhóm bảo tồn như Survival International, những người yêu cầu các quan chức địa phương từ bỏ những nỗ lực thu hồi thi thể của Chau.
Cảnh sát Ấn Độ vừa có một cuộc đối mặt đầy lo lắng với bộ lạc giết chết một nhà truyền giáo Mỹ, tờ news.com.au...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.