Theo đề án, từ 2011-2015, thành phố sẽ giải quyết cơ bản chỗ ở cho người thu nhập thấp có nhu cầu bức xúc về nhà ở (chưa có nhà hoặc diện tích nhà ở dưới 5m²/người), phấn đấu đạt 15.500 căn hộ, tương ứng 1,1-1,5 triệu m² nhà ở.
|
Theo đề án, từ 2011-2015, Hà Nội sẽ giải quyết cơ bản chỗ ở cho người có thu nhập thấp |
Các đối tượng có nhà ở bình quân trên 5m²/người và dưới 20m²/người, phấn đấu đạt 10.000 căn hộ, tương ứng 1,5 triệu m² nhà ở (ưu tiên giải quyết cho các đối tượng bình quân 5-10m²/người).
Giai đoạn 2016-2020, sẽ cơ bản giải quyết nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách có nhà ở dưới 5m²/người; phấn đấu đạt mức bình quân 20m²/người đối với đối tượng có nhà ở bình quân dưới 20m²/người. Quỹ đất để xây nhà thu nhập thấp được lấy từ quỹ đất 20% chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở bàn giao lại thành phố… Mỗi căn hộ sẽ có diện tích từ 50-120m² để người mua có điều kiện chọn lựa. Đề án cũng đưa ra các giải pháp về tài chính, tín dụng, cơ chế ưu đãi về thuế… để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ công chức.
Đề án cũng nêu rõ, đối tượng được áp dụng là các cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang chưa được phân nhà hay chưa được hưởng bất kỳ ưu đãi nào về nhà ở của Nhà nước. Theo UBND TP. Hà Nội, hiện chưa có cơ chế, chính sách để giải quyết nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách có nhà ở với diện tích trên 5m² sàn/người. Trong khi, cán bộ hưởng lương từ ngân sách lại không đủ điều kiện để mua nhà ở thương mại theo giá thị trường. Việc xây dựng cơ chế chính sách nhà ở đối với các đối tượng này là cần thiết, nhằm thu hút nhân tài yên tâm làm việc.
Trao đổi với NTNN ngày 13-1, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: "Đây có thể chỉ là ý tưởng "chữa cháy", bởi trên lý thuyết, tiền lương của người hưởng lương từ ngân sách rất thấp. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều cán bộ không sống bằng lương mà bằng nhiều khoản thu nhập khác. Vì thế, ý tưởng của đề án sẽ thiết thực nếu điều tra thật cụ thể đối tượng hưởng lương đang cần kíp về nhà ở. Nếu không điều tra cụ thể, những cán bộ có nhiều nhà rồi vẫn được cấp tiếp thì chẳng khác nào "đưa mỡ vào miệng mèo tham".
Chiều 13-1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Hiện đã nhận được văn bản của UBND. TP Hà Nội và đang trong giai đoạn nghiên cứu nên chưa có ý kiến gì về đề án này".
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.