“Người không phổi” – Trọng Hoàng dốc bầu tâm sự về HCV SEA Games 2019

Cảnh Thắng Chủ nhật, ngày 15/12/2019 10:10 AM (GMT+7)
Trở về Nghệ An sau khi giành HCV SEA Games 30 cùng U22 Việt Nam, Nguyễn Trọng Hoàng đã cùng với gia đình về quê “vinh quy bái tổ”. Dù thời gian bận rộn nhưng “người không phổi” vẫn dành cho PV Báo điện tử Dân Việt khoảng 1 tiếng để chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc trong lần bước lên vinh quang tại Philippines cũng như những câu chuyện tình cảm gia đình đầy ấm áp của anh.
Bình luận 0

img

"Người không phổi" - Trọng Hoàng trong màu áo U22 Việt Nam.

PV: 10 năm trước, Trọng Hoàng nhận thất bại tại SEA Games 2009. Tâm trạng thế nào khi HLV Park Hang-eo gọi đá SEA Games 30, nhất là khi mình cũng lớn tuổi rồi?

Thú thực tâm trạng lúc đó rất bất ngờ, nhưng cũng rất vui và tự hào bởi vì lúc nào Hoàng cũng khát khao được cống hiến hết mình cho các đội tuyển, dù ở thời điểm nào đi chăng nữa.

PV:  Là 1 trong 2 cầu thủ trên 22 tuổi dự SEA Games 30, Trọng Hoàng có cảm thấy áp lực trước ngày vào giải hay không, nhất là khi CĐV Việt Nam kỳ vọng đội nhà đoạt tấm HCV sau 60 năm chờ đợi?

Đối với cầu thủ chuyên nghiệp, trước mỗi giải đấu quan trọng thì áp lực là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, tại SEA Games 30 tổ chức tại Philippines, đội U22 được người hâm mộ đặt rất nhiều kỳ vọng. Hoàng là một trong hai cầu thủ đã lớn tuổi, nhưng theo Hoàng, áp lực cũng chính là động lực để mình luôn cố gắng và chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

img

Các cầu thủ U22 Việt Nam đánh bại U22 Indonesia một cách thuyết phục để giành tấm HCV cho bóng đá Việt Nam sau 60 năm chờ đợi. 

PV: Theo Trọng Hoàng, trận đấu nào là trận đấu khó khăn nhất của U22 Việt Nam tại SEA Games 30?

Trong hành trình giành HCV SEA Games 30, trận đấu vòng bảng gặp U22 Thái Lan là một trận đấu khó khăn. Bởi đây là trận đấu duy nhất mà đội tuyển chúng ta không thắng.

PV: Tiền đạo Tiến Linh chia sẻ, Trọng Hoàng ít nói nhưng mỗi khi nói là rất "chất". Hoàng có thể chia sẻ thêm những "bí quyết" vực dậy tinh thần cho toàn đội trong những thời khắc khó khăn, ví dụ như trận vòng bảng với U22 Indonesia và U22 Thái Lan, khi mà U22 Việt Nam bị dẫn trước?

Trước mỗi trận đấu, chúng em vào trận với tình thần quyết tâm cao, thi đấu vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Dù đối thủ có dẫn bàn trước chúng em cũng rất tự tin và thi đấu hết mình. Em là một trong 2 cầu thủ lớn tuổi nhất đội, nếu đội nhà bị dẫn bàn mà mình xuống tinh thần thì đồng đội rất dễ nản, nên em chỉ biết chiến đấu thôi. Chúng em là một tập thể, là một khối đoàn kết để đi đến thắng lợi cuối cùng.

img

Trọng Hoàng cùng các đồng đội ăn mừng bàn thắng trước đối thủ U22 Indonesia tại vòng bảng SEA Games 30.

PV: Một câu hỏi nữa liên quan đến 2 trận đấu mà U22 Việt Nam lội ngược dòng. HLV Park Hang Seo có chỉ đạo gì trong giờ nghỉ giữa hai hiệp hay không? Vì sau đó chúng ta đã chơi rất tốt, có bàn thắng để đạt kết quả như mong muốn?

Trong 2 trận mà U22 Việt Nam bị dẫn bàn trước, khi hiệp 1 đội bắt nhịp trận đấu còn chậm và bị dẫn bàn, HLV Park Hang-seo đã luôn tìm cách để vực dậy tinh thần của cả đội. Đó là yếu tố quan trọng nhất. Giữ được tinh thần tỉnh táo và tuân thủ đấu pháp là bí quyết để toàn đội có thể lội ngược dòng thành công.

PV: Đã tuổi "băm" nhưng chạy thì không thua gì trai trẻ. Nhiều người nói Hoàng là "người không phổi", bạn nghĩ sao?

Hoàng nghĩ đó là sự yêu mến mà người hâm mộ dành cho Hoàng thôi, đối với thể thao thì tuổi tác có ảnh hưởng đến phong độ rất lớn. Tuy nghiên, Hoàng cũng như các anh em cầu thủ luôn hiểu rằng sự luyện tập, sinh hoạt nghiêm túc và kỉ luật là yếu tố bắt buộc đối với mỗi vận động viên. Đó cũng là tiêu chuẩn của nghề nghiệp, là sự chuyên nghiệp của mỗi cầu thủ.

img

Trọng Hoàng thả tim gửi người hâm mộ tại SEA Games 30.

PV: Trong một vài trận đấu, đầu gối Trọng Hoàng đã rướm máu. Mà với mật độ thi đấu 2-3 ngày/ trận, rồi lại trên mặt sân cỏ nhân tạo, rất khó để hồi phục hoàn toàn. Trọng Hoàng có thể chia sẻ gì về điều này?

Đã là cầu thủ chuyên nghiệp, mỗi khi ra sân đều phải chiến đấu hết mình, tinh thần thi đấu này được các thầy ở SLNA dạy Hoàng từ nhỏ. Đặc biệt, đây là giải đấu quan trọng, Hoàng lại khoác trên mình màu áo của đội tuyển Quốc gia; lúc đó thâm tâm Hoàng nghĩ dù cả 2 chân có rướm máu em cũng phải cố gắng chiến đấu, cố gắng cùng đồng đội giành chiến thắng cuối cùng.

PV: Tâm trạng của Hoàng trước trận chung kết SEA Games 30? Có hồi hộp căng thẳng gì không?

Đứng trước mỗi trận chung kết, chắc chắn bất cứ cầu thủ nào cũng luôn có đôi chút hồi hộp và lo lắng. Hoàng cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng với kinh nghiệm thi đấu nhiều năm, đã trải qua nhiều trận chung kết và là cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội, Hoàng hiểu rằng mình cần là chỗ dựa tinh thần cho các em, cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu mà BHL đã đề ra.

img

Hình ảnh Trọng Hoàng trong trận chung kết SEA Games 30 trước đối thủ U22 Indonesia.

PV: U22 Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trước U22 Indonesia ở vòng bảng. Nhưng tới chung kết, U22 Việt Nam đã chơi tốt hơn hẳn và có 3 bàn thắng. Hoàng có thể chia sẻ một chút về những chiến thuật mà HLV Park Hang-seo đã chỉ đạo khi tái đấu U22 Indonesia?

Có thể nói Việt Nam và Indonesia là những đối thủ quá hiểu nhau. Ở các cấp độ đội tuyển thì trong năm qua 2 đội đã gặp nhau 3 lần. HLV Park Hang-seo và BHL đã nghiên cứu rất kĩ về đối thủ này. Đây là đội bóng rất mạnh về tấn công biên, với các cầu thủ chạy cánh chất lượng. Hơn một nửa những bàn thắng và tình huống nguy hiểm đến từ 2 cánh. Do vậy, khi đối mặt U22 Indonesia, BHL đã yêu cầu các cầu thủ phòng ngự bắt chặt 2 cánh, chơi phòng ngự chắc chắn, chờ cơ hội phản công. Nhờ đó mà chúng ta duy trì được thế trận và có thể tận dụng tốt những cơ hội ghi bàn.

PV: Khi tiếng còi trận chung kết SEA Games 30 khép lại, U22 Việt Nam giành HCV, điều đầu tiên Trọng Hoàng nghĩ tới là điều gì? Và sau đó Trọng Hoàng đã gọi cho ai đầu tiên để chia sẻ niềm vui?

Ngay sau khi trận chung kết kết thúc, đứng trước thời khắc lịch sử lần đầu tiên trở thành nhà vô địch môn bóng đá nam SEA Games 30, Hoàng hết sức xúc động, hạnh phúc và rất tự hào. Sau đó, Hoàng đã gọi điện về để chia sẻ niềm vui với gia đình, cũng như gửi tới toàn thể người hâm mộ lời cảm ơn vì đã luôn ủng hộ cả đội và cá nhân Hoàng.

img

Bác Nguyễn Bá Quang - người hâm mộ đội tuyển U22 Việt Nam và cá nhân Trọng Hoàng chụp ảnh lưu niệm tại gia đình. 

PV: 10 năm và đã "trả nợ" SEA Games thành công, Hoàng có thể so sánh thế hệ 2009 của Hoàng và thế hệ "đàn em" hiện nay?

Nói một cách khách quan, cả 2 thế hệ các cầu thủ tham dự SEA Games 2009 và 2019 đều là những lứa cầu thủ rất tài năng của bóng đá Việt Nam. Bằng chứng là họ đều đạt những thành tích cao ở đấu trường này (huy chương bạc và huy chương vàng SEA Games). Tuy nhiên, các thủ trẻ hiện nay có được lợi thế hơn các đàn anh đi trước ở mặt thể hình, thể lực, U22 Việt Nam là một đội tuyển có chiều cao rất tốt trong khu vực. Mặt khác, các cầu thủ U22 tham dự SEA Games lần này đã được có cơ hội cọ xát ở nhiều giải đấu lớn, nhờ đó mà kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ không thua kém gì các đàn anh.

PV: Phía trước là vòng chung kết U23 châu Á 2020 tại Thái Lan, Hoàng có tin lứa U23 Việt Nam hiện nay có thể lập lại kỳ tích như năm 2008, qua đó giành vé dự Olympic 2020?

Với những gì mà các cầu thủ U22 đã thể hiện cùng với tài năng của HLV Park Hang-seo và các cộng sự, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng về một kỳ tích nữa sẽ đến với bóng đá Việt Nam. Cá nhân Hoàng rất tin tưởng và mong muốn U23 sẽ đạt kết quả cao trong giải đấu sắp tới.

img

Gia đình ông Nguyễn Trọng Hường tổ chức xem trận chung kết SEA Games 30 cùng người thân và hàng xóm.

PV: Thủ thành Đặng Văn Lâm từng nói rằng, các cầu thủ Việt Nam đều chiến đấu hết mình để nuôi dưỡng giấc mơ World Cup. Trọng Hoàng có nghĩ rằng đây là thời điểm mà chúng ta có thể mơ về cơ hội dự World Cup, cụ thể là World Cup 2022?

World Cup là giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh mà bất cứ đội tuyển nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, để đạt đến đó là cả một lộ trình dài. Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, những lứa cầu thủ trẻ được đào tạo rất bài bản và chất lượng. Điều này thể hiện là bóng đá Việt Nam đang xây dựng một nền bóng đá với nền tảng vững chắc. Hoàng nghĩ rằng điều quan trọng là phải duy trì đà phát triển như hiện nay, khi chúng ta tập trung vào chất lượng thì World Cup sẽ đến như một kết quả tất yếu.

PV: Mẹ của Hoàng đã chia sẻ rằng, khi Hoàng mang tấm HCV về nhà, bà sẽ nấu cho Hoàng những món ăn mà Hoàng thích, vậy Hoàng có thể bật mí đó là những món gì không?

Với Hoàng thì mẹ là người nấu ăn rất ngon. Sau mỗi giải đấu, phần thưởng mà Hoàng thích nhất là được trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình, được ăn những món ăn do chính tay mẹ làm. Những món ăn tuy rất giản dị đối với mỗi gia đình như: nem rán, lươn om chuối đậu... nhưng đó là cảm giác hạnh phúc đã làm Hoàng cảm thấy đó là những món ngon nhất, hơn cả những món ăn đắt tiền trong nhà hàng.

img

Cả gia đình vui mừng khi đội tuyển U22 Việt Nam giành chiến thắng trước đối thủ U22 Indonesia. 

PV: Hoàng lập gia đình hồi tháng 10/2018, trước thời điểm AFF Cup 2018, sau đó thì Hoàng bận thi đấu liên miên. Điều này có làm ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng của Hoàng không và bà xã có thông cảm cho những chuyến thi đấu biền biệt của Hoàng không?

Với đặc điểm công việc thường xuyên phải đi xa nhà, xa vợ. Nhưng Hoàng rất may mắn luôn nhận được sự thông cảm và chia sẻ của vợ. Vợ luôn động viên, ủng hộ Hoàng tập luyện và thi đấu. Đó cũng chính là động lực lớn để Hoàng có thể yên tâm cống hiến hết mình cho CLB và ĐTQG.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem