Người lính đi đuổi... đói nghèo

Thứ ba, ngày 01/05/2012 19:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhìn những cánh rừng cao su non mơn mởn đang dần phủ xanh, thay thế những cánh rừng nghèo kiệt, chúng tôi tin rằng đồng bào Vân Kiều ở miền Tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tìm được lối để thoát nghèo.
Bình luận 0

Và người mở “chiếc khóa” nghèo đói ấy chính là những người lính của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 - Binh đoàn 15 anh hùng.

Người đi mở đất

Từ nhánh đông đường Hồ Chí Minh, rẽ vào tuyến đường 10 một thời oanh liệt chừng 16km, tôi mới đến “đại bản doanh” của Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 79 đang làm tạm bên kia mé đồi. Đại tá Nguyễn Văn Quốc - Đoàn trưởng KTQP 79 tiếp tôi sau nhiều cái hẹn mà không gặp. Khác với những gì tôi tưởng tượng về một vị chỉ huy nghiêm nghị trong quân đội, Đoàn trưởng Nguyễn Văn Quốc cởi mở, giản dị và rất dễ gần.

img
Đại tá Nguyễn Văn Quốc tặng nhà Đại đoàn kết cho bà con Vân Kiều.

Đại tá Nguyễn Văn Quốc bảo, ông thuộc thế hệ những người lính mới hành quân vào mùa xuân 75 lịch sử, nhưng chưa đánh được trận nào thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Không cầm súng đánh giặc ngoại xâm nhưng ông tự hào là người lính luôn đi tiên phong trong mặt trận kinh tế, “đánh đuổi” cái đói, cái nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn nhất. Cuộc đời gần 30 năm khoác áo lính của ông Quốc gắn với Binh đoàn 15, gắn với đồng bào các dân tộc ở những vùng khó khăn, hẻo lánh nhất.

Cứ khi những cánh rừng cao su đã khép tán, đồng bào các dân tộc nơi đó đã có cái ăn, cái mặc, có cuộc sống ổn định là ông Quốc lại khoác ba lô đến vùng đất mới. Trước khi nhận lệnh đến vùng đất của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở phía tây huyện Lệ Thủy (gồm các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy) ông Quốc và Đoàn KTQP 79 đã từng đến “khai phá” những vùng đất Đức Cơ (Gia Lai); Sa Thầy (Kon Tum), gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Năm 2008, những ngày đầu đến vùng đất xa ngái phía tây Quảng Bình này, ông Quốc và những người lính vốn gắn bó mảnh đất Tây Nguyên đã gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù trên thực tế đã được giao diện tích nhưng đơn vị phải đợi một doanh nghiệp khác tận thu những phần rừng nghèo kiệt rồi mới có đất để trồng cao su. Rồi mưa nắng thất thường bên mái Trường Sơn đã làm cho việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị thêm khó khăn chồng chất. Nhưng vừa dựng doanh trại, đơn vị bắt tay ngay vào trồng cao su cho kịp thời vụ.

Chạy đua với mưa nắng ở rừng, với muỗi, vắt, vụ đầu tiên KTQP 79 đã trồng được 26ha cao su đầu tiên. Vụ trồng cao su thứ hai, năm 2010 miền Trung chìm trong mưa bão liên miên, nhờ đã dần rút được kinh nghiệm nên đơn vị làm việc tốt hơn với 154ha cao su được trồng và đến niên vụ năm 2011, trồng thêm 290ha, đưa diện tích lên hơn 450ha. Hiện đơn vị đang tiến hành khai hoang thêm được 320ha để kịp trông trong niên vụ mới... Dường như đất đỏ miền tây Quảng Bình rất hợp với loại cây công nghiệp dài ngày này. Mới 2 năm tuổi, cây cao su đã vượt quá đầu người, xanh non giữa những quả đồi xa thẳm...

Tri ân Trường Sơn

Đại tá Nguyễn Văn Quốc tâm sự, khi nhận nhiệm vụ ra xây dựng dự án Khu KTQP ở miền Tây Quảng Bình, lòng ông cảm thấy rất vui. Trường Sơn là một địa danh mà mỗi người lính dù thời chiến hay thời bình mỗi khi nhắc đến đều thấy bùi ngùi thương nhớ.

Những năm tháng đó, đồng bào dân tộc sống bên mái Trường Sơn dù là người Vân Kiều, Arem, Ma Coong...đều hết lòng giúp bộ đội. Thế nhưng, sau ngày đất nước giải phóng những vùng đất ấy phần lớn đều khó khăn, bà con dân tộc ở đây đều rất nghèo. Địa bàn mà Đoàn KTQP 79 xây dựng dự án hôm nay năm ở các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, nơi có hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh đi qua, nơi mà các địa danh đã đi vào lịch sử cách mạng như một địa chỉ đỏ của một thời oanh liệt nhất.

img
Dạy kỹ thuật trồng cao su cho người Vân Kiều.

Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ thực hiện dự án nơi mảnh đất này, ông Quốc và những người lính ở Đoàn KTQP 79 tâm niệm, đây cũng là cơ hội để mình tri ân Trường Sơn, tri ân những người lính đi trước và đồng bào các dân tộc đã ngã xuống ở mãnh đất này cho đất nước thống nhất.

Khi thực hiện dự án trồng cây cao su ở đây, Đoàn KTQP 79 ưu tiên tiếp nhận lao động tại địa phương vào làm công nhân; trong đó đặc biệt ưu tiên con em dân tộc Vân Kiều ở các xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ và Lâm Thuỷ.

Đại tá Nguyễn Văn Quốc cho biết, đến nay số lượng lao động tại chỗ được tuyển dụng gần 150 người, trong đó gần một nửa là thanh niên dân tộc Vân Kiều với mức lương bình quân hơn 3.000.000 đồng/người/tháng.

Cùng với việc tạo việc làm cho bà con Vân Kiều, công tác dân vận, bảo đảm an ninh quốc phòng đã được lãnh đạo Đoàn KTQP 79 đặc biệt chú trọng. Riêng trong năm 2011, đơn vị đã tặng 6 nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách với số tiền hơn 180.000.000 đồng; tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh miễn phí cho bà con Vân Kiều. Mỗi dịp Tết, các ngày lễ lớn của dân tộc, đơn vị đều tổ chức thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách; tặng quà cho học sinh con em dân tộc Vân Kiều vượt khó học giỏi...

Có một thế hệ người Vân Kiều mới

Theo chân trung úy Nguyễn Bá Hưng - Đội trưởng Đội 1- Đoàn KTQP 79 đến thăm làng công nhân vừa được xây dựng khang trang ngay bên những cánh rừng cao su. Anh Hưng cho biết, ngoài một số cán bộ “khung” là bộ đội thì lực lượng chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều. Ngoài việc cấp đất, đơn vị còn hỗ trợ cho họ mỗi hộ 20.000.000 đồng để làm nhà ở nên hầu hết bà con rất yên tâm khi vào làm công nhân ở đây.

Khi chúng tôi đến, cũng là lúc các nữ công nhân vừa xong việc bón phân cho cao su trở về. Ba cô gái Vân Kiều mà nếu thoạt nhìn khó phân biệt là người dân tộc thiểu số bởi cô nào cũng xinh xắn, trắng trẻo, ăn nói trôi chảy và dí dỏm.

Dự án Khu KTQP nam Quảng Bình có diện tích trên 3.600ha có tổng số vốn hơn 1.400 tỷ đồng. Ngoài phát triển cây cao su, dựng án còn xây dựng 4 cụm bản kiểu mẩu tại các xã Ngân Thủy, Kim Thủy và Lâm Thủy.

Hoàng Thị Cam- 24 tuổi, người Vân Kiều ở bản Cây Bông, xã Kim Thuỷ cùng chồng và con trai 4 tuổi được tuyển vào làm công nhân từ 2 năm nay. Cam nói lương tháng của cả hai vợ chồng cô bây giờ đã hơn 7.000.000 đồng. Chúng tôi hỏi: “So với ở nhà thì làm ở đây có tốt hơn không?” Cam cười khoe hàm răng trắng, đều tắp: “Hơn nhiều lắm, cả đời em có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày hàng tháng em được cầm số tiền lớn như vậy”.

“Chúng tôi không chỉ nhận lao động mà còn phải nhìn xa về tương lai, rồi sau này ai sẽ quản lý rừng cao su, quản lý những bản làng mới nếu không phải là chính các em, thế hệ người Vân Kiều mới đủ năng lực và trình độ. Vì vậy chúng tôi tìm một số con em dân tộc Vân Kiều học xong chương trình phổ thông, có khả năng phát triển về nhiều mặt gửi đi đào tạo đại học để sau này về phục vụ dân bản. Vừa qua, đơn vị đã gửi ba em vào học ĐH ở Gia Lai và công việc này sẽ được chúng tôi làm thường xuyên. ”- Đại tá Nguyễn Văn Quốc chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem