Người Mông hỏi chuyện tác hại về sức khỏe của hôn nhân cận huyết

P,V Thứ tư, ngày 15/10/2014 07:17 AM (GMT+7)
Tôi thấy ở địa phương của mình, ở người Mông con cô con cậu vẫn lấy nhau rất phổ biến. Xin hỏi đó có phải là kết hôn cận huyết thống không? Có phân biệt bên nội, bên ngoại không? Tác hại của việc này ra sao? Vàng Seo Mẩy (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái)
Bình luận 0

ÔNG CHU TUẤN THANH -VỤ TRƯỞNG VỤ TUYÊN TRUYỀN (UBDT) TRẢ LỜI:

Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người cùng trong quan hệ nội tộc, trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng được luật tục hoặc tập quán quy định; có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha chưa quá 3 thế hệ.

img Một buổi tuyên truyền cho đồng bào dân tộc về hôn nhân cận huyết.

 

Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì những người trong phạm vi ba đời là: Đời thứ nhất - cha mẹ; đời thứ hai - anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba - anh chị em con chú con bác, con cô con cậu con dì.

Trên thực tế hiện nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống giữa con cô – con cậu; con dì – con già; con chú – con bác còn phổ biến ở nhiều vùng dân tộc, nhất là vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đáng báo động nhất là một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru, đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc chỉ có dân số dưới 1.000 người đang có nguy cơ suy giảm giống nòi do tình trạng hôn nhân cận huyết.

Ngoài những khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội, quan hệ hôn nhân cận huyết thống chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật đối với những đứa trẻ được sinh ra, gây suy thoái chất lượng giống nòi.

Hầu hết những trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gen lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, biến dạng xương, bụng phình to, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh – Thalassemia, trong đó có một số bệnh gây ra nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh lại di truyền tiếp cho thế hệ sau làm cho suy thoái giống nòi.

Hiện nay tại một số địa phương đã xây dựng được chế tài ở cấp cộng đồng về việc xử lý những trường hợp vi phạm luật. Tuy nhiên, hôn nhân cận huyết thống là một phần trong văn hóa tồn tại và phát triển của bà con dân tộc từ bao đời.

Vì vậy, vấn đề cần được giải quyết là phải làm thay đổi được hành vi và nhận thức của một bộ phận cộng đồng, không áp dụng thuần túy luật pháp nếu muốn đạt kết quả có tính bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem