Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, nơi xảy ra sự việc.
Gia đình tố nhân viên y tế tắc trách
Chiều 16/11, bé trai N.M.Đ (2 tháng tuổi, Gia Bình, Bắc Ninh) tử vong sau tiêm kháng sinh. Chia sẻ với PV, ông Lê Xuân Chìu (ông nội cháu Đ.) cho biết: "Khi ông nghe thấy điện thoại con dâu (mẹ của cháu Đ.) gọi điện thông báo cháu Đ. có biểu hiện tím tái, run rẩy, co giật, tôi đã chạy vội lên tầng 6, nơi cháu đang nằm điều trị. Lúc đó không có nhân viên y tế ở đó. Một lúc sau tôi mới thấy 2 nhân viên y tế xách máy lại và đưa cháu đi cấp cứu. Nhưng chỉ 15 phút sau, cháu đã tử vong".
“Sau khi khám nghiệm tử thi, gia đình đưa cháu về nhưng không có một nhân viên y tế nào chia sẻ nỗi buồn với gia đình”, ông Chìu cho hay.
Ông Chìu cho biết, ông mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra nguyên nhân lý do cháu ông tử vong sau 1 mũi tiêm; Cần phải xem lại quy trình điều trị, phác đồ điều trị của cháu ông như thế nào, tinh thần trách nhiệm của các y bác sĩ như thế nào mà để xảy ra sự việc thương tâm như vậy?
“Tôi thấy thái độ, tinh thần phục vụ của các y bác sĩ cấp cứu cho cháu tôi thiếu trách nhiệm. Nếu có lương tâm, đạo đức, đúng tinh thần y bác sĩ thì cháu tôi không mất được. Chiều ngày hôm đó, cháu tôi được ra viện nhưng một mũi kim cuối cùng đã dập tắt cuộc đời cháu tôi, rất mong cơ quan pháp luật điều tra làm rõ việc này”, ông Chìu nói.
Nghi do sốc phản vệ
Liên quan đến sự việc này, trưa 17/11, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tổ chức họp báo.
Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cho biết, tính đến hôm nay bé trai N.M.Đ (2 tháng tuổi, Gia Bình, Bắc Ninh) nhập viện điều trị và tử vong được 14 ngày.
Ông Lê Văn Nam, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh.
Bé bị bệnh nặng nên các bác sĩ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh phải điều trị tích cực và can thiệp các biện pháp mạnh và sử dụng thuốc Percef (Ceftriaxon) tiêm cho bé bằng bơm kim tiêm để khắc phục lỗi chủ quan do con người gây ra. Sau khi sức khỏe của bé Đ. ổn định, các bác sĩ chuyển bé lên khoa Hô hấp của bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh điều trị.
Vào khoảng 10h50 ngày 16/11, gia đình phát hiện cháu Đ. vật vã, nổi vân tím, khó thở và báo cho bác sĩ. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến sốc phản vệ và xử trí theo sốc phản vệ.
Vào khoảng 11h, giám đốc bệnh viện có mặt tại chỗ cấp cứu và gọi điện báo cáo Sở Y tế Bắc Ninh để xin chỉ đạo.
Khoảng 12h50 phút, giám đốc bệnh viện đã gọi điện cho Giám đốc BV Nhi Trung ương để xin 1 kíp về hỗ trợ.
Theo đó, kíp của Bệnh viện Nhi Trung ương đã có mặt tại bệnh viện vào 14h25. Ngay sau đó, các bác sĩ đã bắt tay vào công việc cấp cứu cháu bé. Tuy nhiên, đến 15h45 phút ngày 16/11, cháu bé đã tử vong.
“Hiện tại, nguyên nhân dẫn tới bé Đ. tử vong phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Nhưng sơ bộ chuyên môn, tôi nghĩ nhiều đây là sốc phản vệ”, ông Nam nói.
Về nghi vấn dẫn tới sự cố này có phải do y tá trực tiêm cho bé, ông Nam thông tin: “Y tá là người có trách nhiệm đưa bé ra chỗ tiêm, còn thực hiện động tác tiêm là máy làm”.
Trần tình về việc nhân viên y tế và lãnh đạo bệnh viện không có mặt ở lúc gia đình đưa cháu về, ông Nam cho hay, thời điểm đó không có cán bộ ở đấy là do nhân viên y tế, cán bộ bệnh viện đang làm việc với cơ quan pháp y, cơ quan công an, những người liên quan đến việc điều trị và cấp cứu cho cháu bé.
Chiều 16/11, tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh có một bé 2 tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc kháng sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.