Người nhà nạn nhân đại hồng thủy 1999 khóc trước mặt Chủ tịch tỉnh

Trần Hòe Chủ nhật, ngày 03/11/2019 15:58 PM (GMT+7)
Nhiều người thân nạn nhân ở Thừa Thiên- Huế thiệt mạng do cơn đại hồng thủy xảy ra cách đây 20 năm đã bật khóc khi Chủ tịch tỉnh đến thăm hỏi, động viên.
Bình luận 0

Ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã có chuyến thăm, tặng quà các hộ gia đình, các địa phương bị thiệt hại nặng nề về người trong cơn lũ lịch sử xảy ra năm 1999, còn được gọi là “đại hồng thủy 1999”.

Ông Thọ đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử cách đây 20 năm tại Làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang).

img

Người thân nạn nhân cơn đại hồng thủy 1999 bật khóc khi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đến thăm hỏi, động viên. Ảnh Ngọc Minh.

Đây là ngôi làng có rất nhiều gia đình bị mất đi người thân trong cơn đại hồng thủy năm 1999, trong đó có gia đình ông Trần Văn Thu có đến 12 người thiệt mạng. Làng Rồng là cái tên do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho làng với mong muốn những người dân còn sống sót sau cơn đại hồng thủy sẽ có cuộc sống đầy đủ, ấm no và phát triển mạnh mẽ hơn.

Tại Làng Rồng, ông Thọ cho biết, sau 20 năm xảy ra cơn lũ lịch sử, được sự hỗ trợ của Trung ương, tất cả các khu vực dân cư bị thiệt hại do cơn lũ 1999 đã được hồi sinh, trong đó có Làng Rồng.

 "Mất mát nào rồi cũng sẽ qua đi, chúng ta phải biết phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực cùng nhau vươn lên, biến khó khăn thành cơ hội, luôn hướng về phía trước. Người dân và chính quyền phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, người dân có cuốc sống no ấm và hạnh phúc"- ông Thọ nói. 

img

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ thắp hương khu thờ chung của 13 nạn nhân vụ sạt lở ở Mũi Né trong cơn lũ lịch sử 1999. Ảnh Ngọc Minh. 

Cùng ngày, ông Thọ đã đến thắp hương, dâng hoa tại nơi thờ 2 liệt sĩ là cán bộ Hải Đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân trong trận lũ năm 1999; thăm và tặng quà các gia đình có nạn nhân trong vụ sạt lở trong đợt lũ lịch sử ở Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc); thắp hương khu thờ chung của 13 nạn nhân bị thiệt mạng do cơn đại hồng thủy.

Nhiều người thân nạn nhân thiệt mạng do cơn đại hồng thủy 1999 đã bật khóc kho ông Thọ đến thăm hỏi, động viên. Họ khóc vì cảm động trước sự động viên, chia sẻ của vị Chủ tịch tỉnh, và khóc vì ký ức đau thương 20 năm trước vẫn chưa phai mờ.

img

Người dân ở Thừa Thiên- Huế trong cơn lũ lịch sử năm 1999 nhận mì tôm cứu trợ. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Theo ông Thọ, cơn lũ năm 1999 là một bài học lớn trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai cho tỉnh Thừa Thiên- Huế. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã luôn nỗ lực và triển khai nhiều phương án phòng chống, chủ động ứng phó với thiên tai. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, luôn coi trọng việc lồng ghép xây dựng phát triển kinh tế xã hội gắn với phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “5 tại chỗ”; nâng cao nhận thức của người dân về tác động và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

img

Những chiếc quan tài chất ngổn ngang trước sân Bia Quốc học Huế trong trận lũ năm 1999. (Ảnh: Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thừa Thiên- Huế là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong trận đại hồng thủy năm 1999. Trong tổng số 595 người chết của đợt lũ ở miền Trung tháng 11/1999 thì Thừa Thiên - Huế đã chiếm quá nửa với 352 người chết.

Ngày 5/11/1999, hàng loạt quan tài gỗ thông vàng đựng thi thể những người thiệt mạng trong lũ được đưa ra quàn tại Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, còn gọi là Bia Quốc học. Bộ đội đã tập kết ở đường băng Phú Bài đưa những chiếc áo quan trên về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tại vùng đồng bằng các địa phương Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và một số nơi ở TP.Huế, nước lũ ngập sâu đến 4 mét. Nhiều đoạn quốc lộ bị ngập trong nước nhiều ngày dẫn đến giao thông đường bộ ngưng trệ; về sau cả đường thủy, đường sắt và đường hàng không tại đây cũng phải tạm dừng hoạt động. 

Nước lũ cũng tràn về từ hạ lưu làm vỡ phá Tam Giang đồng thời mở ra 2 cửa biển mới, là cửa Hòa Duân và Vĩnh Hải, khiến cho hàng chục tàu thuyền của ngư dân và tàu tuần tra bị hư hỏng. Sự kiện tạo cửa biển này được xem là chưa từng xảy ra ở Việt Nam.

Do ảnh hưởng từ lũ trên lưu vực sông Hương có khoảng 242.000 hộ dân chìm trong nước lũ, tổng thiệt hại ước tính 1.780 tỷ đồng, bằng tổng thu nhập của tỉnh này trong 7 năm trước đó…  

                                                                                     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem