Người nhờ Giám đốc BV Gò Vấp gom khẩu trang chịu trách nhiệm gì?

Đình Việt Thứ ba, ngày 03/03/2020 15:20 PM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp (TP.HCM) bị pháp luật xử lý thì người nhờ ông này gom khẩu trang cũng bị xử với các tội danh giống nhau.
Bình luận 0

Ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (TP.HCM) vừa bị đình chỉ công tác để làm rõ tố cáo gom hàng chục triệu khẩu trang bán kiếm lời trong dịch virus corona (Covid-19). Giải thích về việc này, ông Quốc nói mình "bị hại" vì chỉ muốn làm từ thiện.

img

Bệnh viện Gò Vấp, nơi ông Quốc đang làm việc.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu ông Quốc bị pháp luật xử lý thì người nhờ ông này gom khẩu trang có bị xử lý không, vì suy cho cùng, nguồn cơn sự việc là bắt nguồn từ ông M.T?

Ngày 3/3, trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, khi vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan này sẽ mời tất cả những người có liên quan đến vụ việc để làm rõ trách nhiệm của từng người.

Sau đó, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ việc đặt tiền để mua khẩu trang y tế là như thế nào. Nếu chỉ là giao dịch thông thường như lời của Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp nói với báo chí thì không có ai vi phạm gì cả.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, lời của ông Quốc rất khó thuyết phục bởi không ai chi nhiều tỷ đồng để mua khẩu trang làm từ thiện.

“Lời của ông giám đốc bệnh viện chỉ là những thông tin ban đầu, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ sự thật trong câu chuyện này là gì. Nếu có căn cứ cho thấy hai người này đã có hành vi đầu cơ, tích trữ tạo ra sự khan hiếm trong thị trường để tăng giá khẩu trang bán trái phép, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy tính chất mức độ sẽ quyết định xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị truy cứu về tội Đầu cơ” – vị luật sư nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc, số lượng khẩu trang để xác định số khẩu trang hai người này có hóa đơn chứng từ hợp pháp hay không, có phải là hàng giả hay không để xem xét xử lý đến các hành vi như buôn bán trái phép, sản xuất trái phép hàng giả.

Các hành vi đầu cơ, sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi... là những hành vi mà cơ quan điều tra sẽ phải xác minh làm rõ trong vụ việc. Nếu có đủ căn cứ xử lý hình sự sẽ xử lý theo quy định pháp luật đối với các tội danh nêu trên.

“Ông Quốc có nói rằng, ông và người tên là M.T gom khẩu trang để làm từ thiện thì ông ta phải có nghĩa vụ chứng minh sự thật đúng là ông làm từ thiện. Cụ thể phải có hoạt động, liên kết nhóm/hội/quỹ từ thiện hoặc tự phát. Còn nếu không phải làm từ thiện mà gom để bán chênh lệch giá kiếm lời thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Cường phân tích.

Từ những phân tích trên, luật sư Cường nhấn mạnh, nếu Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp bị xử lý thì người nhờ ông này gom khẩu trang cũng bị xử với các tội danh giống nhau.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, liên quan đến vụ việc Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) bị tố gom khẩu trang bán giá cao trong dịch virus corona (Covid-19), UBND quận Gò Vấp đã có thông tin chính thức. Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 27/2, UBND quận Gò Vấp đã chỉ đạo Thanh tra quận xác minh.

Kết quả ban đầu xác định, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì vậy, ngày 28/2, UBND quận đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với bác sĩ Phạm Hữu Quốc, chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan điều tra Công an quận Gò Vấp làm rõ.

Theo lời bác sĩ này, ngày 15/2, ông được 3 người đề nghị nhờ mua khẩu trang để làm từ thiện tại Campuchia vì nước này chưa sản xuất được mặt hàng này. Ban đầu, ông Quốc từ chối nhưng sau nhiều lần thuyết phục, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp đã nhận lời..

Ông Quốc cho biết đã nhờ anh Th (một điều dưỡng tại bệnh viện) hỗ trợ thu gom khẩu trang. Đây cũng là người đứng tên và ký trong các hợp đồng mua bán khẩu trang sau này. Còn ông Quốc là người nhận tiền từ ông M.T, tổng cộng 5,3 tỷ đồng. Ông Quốc nói mình "bị hại" vì chỉ muốn làm từ thiện.

Điều 196, BLHS 2015 quy định về tội Đầu cơ như sau:

1...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem