Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Nhận tiền tỷ bồi thường, nhưng lo sau này làm gì? (Bài 1)

Tố Loan - Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 19/04/2024 06:00 AM (GMT+7)
Tại những nơi dự án đường Vành đai 4 đi qua, đa phần người dân đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện dự án. Thậm chí có nhiều gia đình còn bàn giao đất trước khi có quyết định thu hồi. Họ sẵn sàng sẻ chia, nhường đất đai, ruộng vườn để làm đường, nhưng cũng có những trăn trở, kiến nghị của riêng mình...
Bình luận 0

LTS: Tháng 6/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Một năm sau đó, đường Vành đai 4 chính thức được khởi công ở cả 3 địa phương mà dự án đi qua, đó là: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Với chiều dài 112,8 km, Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 85.000 tỷ đồng, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô.

Theo đó, tổng diện tích đất sẽ thu hồi phục vụ cho Dự án là 1.374 ha, với khoảng 25.000 hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu là Hà Nội (gần 13.000 hộ). Trong số 1.374 ha đất bị thu hồi, có 59% là đất trồng lúa, 19% là đất nông nghiệp, 2% đất ở và 20% các loại đất khác; điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều hộ dân sẽ bị mất hoặc thu hẹp diện tích đất canh tác, đất ở.

Chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân, kể cả những người bị thu hồi đất cũng đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, khi không còn đất sản xuất người nông dân sẽ phải làm gì để đảm bảo cuộc sống? Rồi nơi ở mới có ổn định, an cư hơn chỗ cũ hay không?... Để ghi nhận và tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên, Báo NTNN/Dân Việt trân trọng giới thiệu loạt bài "Người nông dân phía sau "siêu" Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô".

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Nhận tiền tỷ bồi thường, nhưng lo sau này làm gì? (Bài 1)- Ảnh 1.

Nhiều nông dân cả đời chỉ biết đến tiền triệu, tiền chục triệu đồng nay được đền bù cả "cục", toàn tiền trăm triệu, tỷ đồng cũng không khỏi "trăn trở", đó là làm thế nào để sử dụng số tiền đó hiệu quả, cân bằng, vừa giải quyết công việc trước mắt, vừa tính kế lâu dài, nhất là sau này sẽ làm gì khi ruộng, đất không còn...

Chia sẻ với chủ trương của nhà nước, nhưng vẫn nhớ những cánh đồng...

Dự án Vành đai 4 đi qua xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) có chiều dài khoảng 3,26km. Để phục vụ cho dự án, gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Ngọc Trì bị thu hồi 5,2 sào đất trồng lúa (tương đương 1.872m2 đất), nhiều nhất xã. Sau khi nhận 1,6 tỷ đồng tiền bồi thường, vợ chồng ông làm "của để dành" chia cho các con.

Cả đời gắn bó với mảnh đất Kim Hoa được coi là xa xôi so với trung tâm thủ đô Hà Nội, ông Hùng chỉ loanh quanh trong làng, ngoài đồng và không nghĩ đến viễn cảnh một ngày xã mình lại đổi đời nhờ con đường vành đai 4 đồ sộ đi qua. Cũng bởi thế, ông cũng chưa từng nghĩ, gần hết số ruộng nhà ông bị thu hồi để phục vụ dự án. Ông Hùng kể, ngày chứng kiến những chiếc xe lu, xe chở cát đầu tiên san nền làm đường, người dân trong làng, ngoài xã phấn khởi lắm và cũng cảm thấy tự hào, khi được nhường những mảnh ruộng, vuông ao để phục vụ xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Ở quanh thôn ông, hộ nào cũng nhất trí bàn giao mặt bằng sớm để phục vụ thi công đường.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Nhận tiền tỷ bồi thường, nhưng lo sau này làm gì? (Bài 1)- Ảnh 2.

Dự án đường Vành đai 4 chạy qua huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thái

Trong câu chuyện với phóng viên, ông Hùng kể tiếp, trước đây, với hơn 5 sào ruộng, nếu mất mùa gia đình ông Hùng vẫn đủ gạo ăn cả năm mà không phải đi mua, thời tiết thuận lợi còn có thể bán lúa tăng thêm thu nhập. Giờ diện tích đất canh tác lớn nhất bị thu hồi tất cả, ông Hùng cho biết cũng khá chật vật bởi hàng tháng phải đi đong gạo ăn, trong khi hai vợ chồng đã trên 60 tuổi, lại không có lương hưu ngoài nhặt nhạnh từng đồng từ công việc thu mua đồng nát. "Tiền nhiều thì tiêu cũng hết… nếu còn đất là còn thu nhập, còn sinh kế bền vững", ông bộc bạch. Nói về số tiền 1,6 tỷ đồng được nhận đền bù, ông Hùng cũng cho rằng, số tiền đó không phải là quá lớn, nhưng cũng giúp gia đình ông trang trải trước mắt nhiều việc cần đến. Song về lâu dài, số tiền đó, thực sự không phải là quá nhiều, tiêu mãi rồi cũng hết, nên sau này cũng chưa biết tính sao...

Ông Hùng cũng cho hay, dù mất đất trồng lúa nhưng may mắn vẫn giữ lại được hơn 1 sào không thuộc diện thu hồi, tuy nhiên do tuổi đã cao, ông cũng chỉ cho thuê trồng đào với giá bèo bọt 800 nghìn đồng/năm.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Ngọc Trì, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Hà Nội) bị thu hồi 5,2 sào đất lúa để phục vụ cho Dự án đường Vành đai 4. Clip: Minh Ngọc

Rời xã Kim Hoa, chúng tôi xuôi xuống huyện Đan Phượng, một trong những địa phương có chiều dài đường vành đai 4 chạy qua lớn nhất. Đan Phượng vốn nổi tiếng với những cánh đồng hợp tác, những cô gái đảm ngày nào của "Đan Phượng ơi quê hương người gái đảm, đồng hợp tác xanh xanh cấy cày thẳng tắp...", giờ đây những cánh đồng đó đang được thay thế bằng tuyến đường vành đai 4 chạy qua. Lúc chúng tôi đến, phần thi công đường song hành đang được các nhà thầu gấp rút thi công. Trong số các xã có đường vành đai 4 đi qua, xã Liên Hồng có diện tích bị thu hồi khá lớn. Đến nay, toàn xã đã tiến hành thu hồi 8,45ha đất nông nghiệp (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây lâu năm), trong đó đất quỹ I là 7,79ha, đất do UBND xã quản lý là 0,67ha. Tổng số hộ ảnh hưởng bởi dự án là 213 hộ, tương đương 304 thửa đất. Hiện xã đã hoàn thành việc thu hồi đất 100%.

Chị Nguyễn Thị Lệ, là con dâu ông Đặng Văn Tính ở thôn Đông Lai. Vợ chồng chị được bố mẹ chia cho 300 triệu đồng từ số tiền bồi thường 4 sào đất lúa của ông bà nằm trọn trong phạm vi cắm mốc của dự án đường Vành đai 4. Khi được hỏi sẽ sử dụng khoản tiền bồi thường như thế nào, chị Lệ nói sẽ dành một khoản dự phòng, một phần trả nợ ngôi nhà đã xây cách đây vài năm. Còn để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, vợ chồng chị vẫn tiếp tục làm thuê.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Nhận tiền tỷ bồi thường, nhưng lo sau này làm gì? (Bài 1)- Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Lệ, thôn Đông Lai, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vui mừng khi có Dự án đường Vành đai 4 đi qua, nhưng chị cho biết, cũng băn khoăn khi mất đi đất sản xuất. Ảnh: Minh Ngọc

Với 1 sào đất lúa được ông bà chia cho, tuy không trực tiếp canh tác nhưng chị vẫn có thêm khoản thu nhập từ việc cho mượn ruộng, giờ không còn đất thì chắc chắn vợ chồng chị phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xoay sở để đảm cuộc sống.

Nếu như trước đây, đất ruộng chị Lệ vẫn thuê trồng lúa, ngoài 2 vụ chính thì cho người ta thuê để cấy rau muống. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào lo cơm nước chợ búa. Giờ không còn đất nữa chị nói càng phải cố gắng, tăng giờ làm thuê để có thêm thu nhập.

"Bố mẹ tôi và các anh em trong gia đình đều nhất trí với giá đền bù của Nhà nước, chúng tôi luôn ủng hộ và cũng chỉ mong Dự án đường Vành đai 4 sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng", chị Lệ nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả gia đình ông Đặng Văn Tính được chi trả 1,7 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và đến nay gia đình ông đã nhận toàn bộ số tiền trên. Rút kinh nghiệm từ những câu chuyện nhận tiền đền bù ruộng đất trước đây ở nhiều nơi, người được nhận đền bù về xây nhà cửa, mua sắm hết, mất nguồn tài chính lâu dài, gia đình ông chia đều cho các con "tự xử", còn ông bà giữ lại một khoản để dưỡng già.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Nhận tiền tỷ bồi thường, nhưng lo sau này làm gì? (Bài 1)- Ảnh 4.

Gia đình ông Đặng Văn Tính thôn Đông Lai, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) nhận được tiền đền bù 1,7 tỷ đồng khi bị thu hồi đất để làm dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Minh Ngọc

Thông tin với phóng viên Dân Việt về tình hình thu hồi đất, đảm bảo cuộc sống cho người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Chí Mưu- Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) khẳng định, với diện tích đất nông nghiệp của xã bị thu hồi, không ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của bà con. "Diện tích đất trồng lúa ở Liên Hồng chủ yếu nằm trong các vị trí xen kẹp, manh mún nên hiệu quả canh tác thấp. Người dân trong xã thu nhập chính từ làm nghề mộc và thợ xây, hoặc đi làm ở nội thành", ông Mưu cho biết.

Thông tin với Dân Việt, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương trên địa bàn thành phố có Dự án đường Vành đai 4 đi qua đã thu hồi được 771,91/791,21 ha đất, trong đó đất nông nghiệp và đất khác khoảng 767,85, đất ở khoảng 4,06ha. Còn lại 19,3 ha chưa hoàn thành công tác GPMB, trong đó 8,67 ha đất nông nghiệp và đất khác, 10,63 ha đất ở (khoảng 493 hộ đất nông nghiệp, 865 hộ đất ở).

Đất không bị thu hồi cũng đành bỏ hoang

Thôn Trên là thôn công giáo nằm sát trục đường Quốc lộ 21B thuộc xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai – Hà Nội), chính vì thế tốc độ đô thị hóa trong làng rất nhanh, hầu hết là nhà cao tầng được đánh số, gắn biển. Đường làng cũng nhỏ hẹp với nhiều khúc quanh co, ngõ ngách. Tuy nhiên, ngoài buôn bán do ở sát chợ, thì người dân trong làng vẫn chủ yếu canh tác lúa, do đó việc bị thu phần lớn diện tích đất nông nghiệp khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, 61 tuổi có 4 sào đất thì 3 sào phải thu hồi phục vụ dự án đường Vành đai 4. "Hôm được mời lên xã họp về dự án, người dân xã tôi ai cũng đồng thuận, nhất trí cao. Chủ trương của Nhà nước mình phải nghiêm túc chấp hành, nhất là đối với dự án quan trọng, tầm cỡ như thé. Tôi chỉ có đứng lên hỏi các anh ấy (lãnh đạo xã) là, khi thu hồi đất rồi thì có giải pháp gì giúp chúng tôi ổn định cuộc sống không? Như bản thân tôi nghề nghiệp không có, công nhân viên chức không, gia đình khó khăn… rất mong các anh giúp dân có thêm kế sinh nhai hoặc công việc gì kiếm thêm thu nhập", ông Hiệp nói với Dân Việt.

Bản thân ông Hiệp đi làm thuê là chính, ai thuê gì làm nấy, còn lại 1 sào đất ông dự định vẫn sẽ trồng lúa 2 vụ, coi như "gỡ gạc tiền đong gạo", nhưng 1 sào đó cũng không làm được hết, vì có khoảng hơn hơn 100m2 nằm sát vùng thi công của Dự án nên cũng khó canh tác hiệu quả.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Nhận tiền tỷ bồi thường, nhưng lo sau này làm gì? (Bài 1)- Ảnh 5.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km.

Ông Nguyễn Văn Giang, Trưởng thôn Trên, xã Bích Hòa cũng thừa nhận có tình trạng một số diện tích đất trên địa bàn thôn người dân bỏ hoang do không canh tác được. "Trong quá trình triển khai xây dựng đường Vành đai 4, hệ thống kênh mương tưới tiêu bị ảnh hưởng nên người dân không thể đưa nước vào đồng tiếp tục sản xuất. Vụ Xuân này nhiều diện tích đất phải để không. Các hộ dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã để họ sớm quay lại đồng ruộng, nhưng cũng vẫn còn vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm", ông Giang cho biết. 

Xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) là địa phương có Dự án đường Vành đai 4 đi qua và 100% diện tích đất bị thu hồi là đất nông nghiệp. Tổng diện tích đất trồng lúa của xã là 281,7ha; diện tích bị thu hồi làm đường vành đai 4 là 22,8ha. Hiện đã giải phóng mặt bằng đạt 100%.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Bích Hòa khẳng định việc 22,4ha đất trồng lúa bị thu hồi làm đường Vành đai 4 không ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương, tuy nhiên "mỗi hộ có hoàn cảnh riêng nên xã đều lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân, làm cơ sở kiến nghị đề xuất lên cấp trên giải quyết".

Nói về thực trạng có những hộ dân không bị thu hồi đất nhưng cũng không canh tác sản xuất được do ảnh hưởng từ việc thi công xây dựng đường Vành đai 4, ông Biên cho biết đã nhận được phản ánh của người dân và báo cáo cấp trên. "Thời gian đầu thi công sẽ không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của bà con, nhưng dần dần sẽ ổn định trở lại" - ông Biên khẳng định.

Đi lướt qua vài ba điểm mà dự án đường vành đai 4 đang thi công, chúng tôi đã thấy những con đường đang dần hình thành với những thiết bị, máy móc dày đặc cùng đội ngũ công nhân, kỹ sư đang ngày đêm thi công để kịp tiến độ dự án. Phía sau những con đường ấy là những mảnh ruộng đã một thời tạo nên những hạt thóc, củ khoai. Phía sau những mảnh ruộng đó là những người nông dân đã gắn bó một đời. Song vì lợi ích chung trong việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, họ đã không ngần ngại chia sẻ, hi sinh lợi ích để nhường đất, nhường mặt bằng cho dự án...

(còn tiếp)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem