Người nuôi sợ ôm nợ khi “thay máu” đàn bò sữa

Trần Đáng – Hứa Phương Thứ tư, ngày 08/06/2016 13:30 PM (GMT+7)
Lo ngại về sự sống còn của đàn bò sữa trước tác động của kinh tế thế giới, chính quyền TP.HCM đã quyết định phải thay giống đàn bò, nhưng phía bà con nông dân (ND) lại phân vân, lưỡng lự.
Bình luận 0

Trong buổi đi thăm mô mình nuôi bò sữa của ND Củ Chi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã trao đổi với ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT thành phố về việc phổ biến cho ND biết thực thi  Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lợi hại ra sao; phân tích cho bà con thấy nuôi bò giống cũ thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng, nhưng nếu thay giống mới thu nhập sẽ gấp đôi...

img

Để tồn tại, nông dân nuôi bò sữa ở thành phố được khuyến cáo phải đổi giống đàn bò. Ảnh: T.Đ-H.P

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú nhấn mạnh, hiện những hộ nào có đàn bò sữa từ 20 con trở lên hoặc nuôi quy mô ít hơn nhưng thật sự chuyên nghiệp mới nên tiếp tục nuôi. Với bò sữa, chỉ chăn nuôi theo kiểu nông trại, công nghiệp... mới trụ được.

“Ớn vay vốn lắm!”

Ông Phan Văn Vũ - hộ chăn nuôi bò sữa ở ấp Thượng (xã Tân Thông Hội, Củ Chi) nuôi bò sữa từ năm 2013. Hiện gia đình ông nuôi 13 con, nhưng chỉ 3 con cho sản lượng bình quân 35 lít sữa/ngày. Ông Vũ bán sữa qua trung gian với giá 11.000 đồng/lít.

Nhìn đàn bò gầy tong của ông Vũ, chúng tôi hỏi ông có biết thành phố đang có chủ trương thay giống đàn bò sữa, và ông có muốn vay tiền để thay giống đàn bò mới không? Ông Vũ ngập ngừng: “Thôi, không dám vay. Vay sợ làm không hiệu quả lại mắc nợ”.

Theo ông Vũ, giá sữa hiện nay rất thấp, ND nuôi bò sữa đang lỗ “sặc máu”, nhiều người phải kêu bán bò. “Theo tôi, trước mắt phải tính đường tiêu thụ sữa bò cho ND, chẳng hạn như tổ chức đầu ra ổn định, thay vì kêu gọi ND vay tiền thay giống mới, làm ra sữa nhiều rồi biết bán cho ai hay bán với giá rẻ mạt” - ông Vũ nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tủi - một hộ nuôi 200 con bò sữa khác ở xã Tân Thông Hội cho biết gia đình ông đang nuôi giống bò sữa cao sản Hà Lan lang trắng đen và đang có hợp đồng bán sữa trực tiếp cho công ty. Khó khăn nhất mà gia đình ông gặp là không có đồng cỏ và thức ăn công nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào công ty cung cấp. Có lúc công ty tăng giá thức ăn liên tục mà hộ chăn nuôi vẫn phải nhắm mắt mua, vì không mua của họ, biết mua ở đâu?

Khi được hỏi có cần vay tiền để thay giống bò mới nhằm tăng năng suất sữa, ông Tủi cho rằng, với ND, ai cũng muốn chọn giống cao sản cho nhiều sữa để có lãi hơn nhưng khổ ở chỗ, giống cao sản rất khó nuôi, rủi ro cao. Theo ông Tủi, để thay đổi giống bò mới, thành phố cần có chính sách hỗ trợ ND đi kèm, mà quan trọng nhất là ổn định đầu ra. ND không sợ đổ vốn nuôi bò, bởi họ đã nuôi lâu nay rồi, vấn đề là chính quyền phải vào cuộc giúp bà con có đầu ra ổn định, giúp ND kết nối doanh nghiệp.

Tìm giải pháp “thay máu” bò sữa

Theo ông Đinh La Thăng, trước tác động của TPP, ngành chăn nuôi bò sữa của thành phố phải chuyển sang sản xuất lớn để cho năng suất, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.

Thực tế cho thấy, chỉ có tăng sản lượng và giảm giá thành sản phẩm sữa thì đàn bò sữa nông hộ mới có thể tồn tại và cạnh tranh khi hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới, nhất là với TPP. Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM khuyến cáo người nuôi xây dựng cơ cấu đàn bò sữa hợp lý là 65 - 70% bò cái sinh sản, trong đó 50% bò vắt sữa/tổng đàn; mạnh dạn loại thải bò sữa năng suất thấp dưới 4.500 kg/con/chu kỳ (dưới 15kg/con/ngày), bò sữa phối giống nhiều lần không đậu (trên 5 lần), bò sữa già (trên 7 lứa). Để giảm giá thành, cần nâng cao chất lượng sữa thông qua thức ăn hỗn hợp TMR để cân đối khẩu phần ăn và đảm bảo chất lượng sữa theo yêu cầu của nhà máy.

Thành phố cũng đang có chủ trương mời chuyên gia Israel, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) và một số doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực trong nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp… Đặc biệt là để tạo đầu ra ổn định, ít phụ thuộc vào các doanh nghiệp thu mua sữa trên địa bàn, mới đây UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thực hiện dự án xây dựng Nhà máy sữa Củ Chi theo đề nghị của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem