Ngôi nhà của người Sán Chay được phục dựng ở Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam
(Đồng Mô, Hà Nội). Ảnh: S.N
Theo ông Hầu Văn Tính ở thôn Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nhà của người Sán Chay có 4 cột chính tượng trưng cho 4 chân, rui mè như là xương sườn, nóc là sống lưng của con trâu. Bồ trữ thực phẩm đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào là dạ dày của trâu thần. Nhà của người Sán Chay được chia làm nhà trâu đực và nhà trâu cái. Nhà trâu cái có 4 cột, các cột liên kết với nhau bằng bộ kèo và dầm sàn không có xà ngang. Các vì kèo liên kết với nhau bằng đầu dọc. Nhà chỉ có 2 vì kèo nên các cột đặt trên mặt bằng nền nhà gần như là hình vuông, có 4 mái, lợp cỏ gianh. Vách nứa được quây kín từ mái tới suốt mặt nền, che cỏ phần gầm sàn. Do nhà sàn thấp nên không có cầu thang mà chỉ có mẩu gỗ làm bậc lên xuống. Nhà trâu đực thường được coi là nhà phụ, nhà ngang, vì kèo chỉ có 3 cột: 1 cột cái chính giữa nóc và 2 cột con liên kết với nhau bằng dầm sàn.
Bên trong nhà trâu đực và trâu cái đều có nơi thờ gia trạch, khu bếp núc, các phòng nhỏ ngăn vách nứa đan thưa. Phòng góc trái là gian tiếp khách, các phòng còn lại dành cho gia chủ, phía cuối là kho chứa lương thực. Gầm sàn là nơi nuôi nhốt trâu bò, gà vịt.
Phần nằm giữa 4 cột chính của nhà được coi là linh thiêng nhất, mọi sinh hoạt quan trọng và các lễ nghi lớn của gia đình đều diễn ra tại đây. Khi cưới xin, trước khi sang nhà gái, lễ vật và trang phục của người đi đón dâu đều được tập trung lại chính giữa ngôi nhà để thầy cúng làm phép.
“Nhà của người Sán Chay hiện đã có nhiều biến đổi thành nhà sàn, nửa đất hoặc nhà chính là nhà sàn, nhà phụ là nhà đất. Nhà sàn có vì kèo 5 cột, hình chữ nhật để mở rộng không gian sử dụng, nhưng vẫn mang dáng dấp nhà trâu cái, nhà trâu đực” – ông Tính cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.