Trốn vợ đi làm việc thiện…
Trở lại căn nhà của ông Phúc, thật sự tôi không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ lên hai, lên năm bị bỏ rơi gọi ông Phúc với cái tên ấm áp “Ba Phúc”. Cái tên này đã quen dần với những đứa trẻ ở đây.
Căn nhà của ông nằm khuất sâu trong hẻm, rộng khoảng 100m2 do bố mẹ để lại. Ngôi nhà này đã có nhiều người nơi khác đến hỏi mua, nhưng ông quyết không bán mà để nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Khu vực này, ông chỉ kê một chiếc giường bằng ván gỗ chiều rộng 0,8m đủ chỗ để dựa lưng và cái Tivi nhỏ bé để sinh hoạt, phần diện tích còn lại để cho trẻ em nghỉ ngơi và học tập.
Ông Tống Phước Phúc ngồi trên chiếc giường chỉ rộng khoảng 0,8m, rất hạnh phúc bên đứa con trai là Tống Phước Hiệp Vinh.
Tiếp chúng tôi, ông Tống Phước Phúc cho biết: “Năm 2001, do vợ sinh ở bệnh viện rất khó nên tôi cầu nguyện sau khi mẹ tròn con vuông sẽ làm một việc gì đó có ích. Tại đây, tôi tình cờ nhìn thấy một hài nhi bị bỏ rơi bên khói nhang nghi ngút. Kể từ đây, tôi nảy sinh ý tưởng làm nghĩa trang để chôn cất hài nhi”. Ý tưởng này thực hiện không dễ dàng, bởi không có vốn, kinh tế của gia đình còn eo hẹp.
Ông quyết tâm vay mượn 10 triệu đồng tìm mua 8.000m2 đất trên núi để xây dựng nghĩa trang chôn cất hài nhi. Năm 2004, nghĩa trang này đã tiến hành chôn cất. Thời điểm này, nhiều người xung quanh gọi ông là thằng khùng, thằng điên… Bỏ ngoài tai, hơn 2 năm ông đã tìm và chôn cất được 5.357 hài nhi. Đến năm 2006, địa phương không cho ông chôn cất nơi đây nữa.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen về việc làm nhân ái của ông Phúc.
Đến năm 2010, ông lặn lội lên vùng núi gần nghĩa trang thuộc xã Diên Lâm (Diên Khánh), cách xa khu dân cư để tiếp tục mua đất chôn cất hài nhi. Mỗi năm, ông dành dụm mua một ít đất và đến nay ông đã mua được gần 2ha đất xây dựng nghĩa trang. Tính đến nay, khu vực này đã chôn được 6.000 hài nhi.
Ông Phúc cho biết, số tiền bỏ ra mua đất không hề nhỏ, chỉ tính riêng khu xã Diên Lâm ông đầu tư gần 500 triệu đồng, chưa kể tiền xây dựng. Gia đình không có tiền nên mua nợ, khi có tiền trả nợ dần. Hàng ngày, ông đi làm thợ xây, những lúc ngoài giờ đi đến các bệnh viện, phòng khám nhặt lượm hài nhi xấu số đưa về nơi yên nghỉ. Lúc đầu ông trốn vợ đi làm việc thiện, sau này khi biết việc làm của ông, vợ ông đã đồng tình với việc làm của chồng.
Khu nghĩa trang dành để chôn cất hài nhi xấu số.
Ông nói: “Những trường hợp phá bỏ thai nhi đa số là sinh viên, học sinh, công nhân nghèo khó, một số trường hợp bị ép phải phá bỏ… Cứ nghĩ đến những sinh linh tội nghiệp nhỏ bé, tôi lại trăn trở xót xa và càng quyết tâm làm việc thiện”.
Công việc chôn cất được ông tiến hành rất cẩn thận, hài nhi bỏ trong hũ sành, đưa vào nghĩa trang lấp đất, phủ lên lớp xi măng và sơn màu. Trên mộ hài nhi chưa tượng hình ông đặt tên theo Thánh. Trường hợp thai nhi tượng hình ông đặt tên theo các mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông).
Nuôi hàng chục đứa trẻ mồ côi và bà mẹ đơn thân
Không những tìm kiếm chôn cất thai nhi, hiện ông còn nuôi 12 đứa trẻ mồ côi, 4 đứa sơ sinh và 11 bà mẹ đơn thân. Ông cho rằng, việc đặt tên cho các con rất khó, những đứa con ông đều lấy họ Tống, con trai đặt tên Vinh và con gái đặt tên Tâm, ông hy vọng các con khi lớn lên tương lai rực rỡ, biết yêu thương giúp đỡ nhau hơn.
Năm 2004 xảy ra một chuyện buồn với gia đình, ông bộc bạch: “Lúc ấy, một chị quê ở tận Bến Tre mang bầu chuẩn bị sinh ra Khánh Hòa nhờ tôi giúp đỡ. Thấy vậy, tôi bỏ 1,5 triệu đồng đóng phí cho bệnh viện, sau ngày sinh tôi gõ cửa các nơi đi tìm chỗ ở cho chị này nhưng mọi người đều từ chối, với lý do không chịu được tiếng khóc trẻ em. Không còn cách nào khác, tôi để cho chị ăn, ở ngay nhà tôi. Nhiều người xung quanh bắt đầu đàm tiếu nói tôi có vợ bé và câu chuyện đã đến tai vợ tôi. Thời gian này tôi đau lắm, không biết nói với ai và muốn từ bỏ hết tất cả. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với người phụ nữ kia, vợ tôi đã thấu hiểu hết hoàn cảnh và vợ tôi không giận tôi nữa. Ngược lại, quay sang ủng hộ tôi hết mình để làm việc thiện”.
Việc chôn cất hàng ngàn hài nhi được ông Phúc thực hiện rất cẩn thận.
Bé Tống Phước Hiệp Vinh (9 tuổi, là đứa bé mồ côi hiện đang sống tại nhà ông Phúc) vui mừng nói: "Ở đây vui lắm, có bạn bè vui chơi, được ba Phúc cho ăn, cho uống, học hành chăm sóc đầy đủ. Hàng ngày, ba Phúc đều dắt con đi chơi".
Năm 2006, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết thư khen, biểu dương việc làm đầy nhân ái của ông Phúc cũng như gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.