Người thông minh cần rèn luyện kỹ năng gì để thành công ?
Luật gia Phan Văn Tân
Thứ năm, ngày 11/07/2024 19:00 PM (GMT+7)
Tôi rất kính trọng người tài, người giỏi và luôn muốn tìm hiểu xem điều gì làm họ có năng lực vượt trội. Song, điều tôi quan tâm nhiều hơn là làm thế nào để mỗi người có thể nỗ lực nâng cao – hoàn thiện năng lực cá nhân để đạt thành công trong công việc và cuộc sống.
Nhằm mục tiêu phát triển, thời gian đứng đầu một đơn vị hạch toán độc lập, tôi cố ý tìm người thông minh để giao việc khó. Tìm được rồi, tôi mừng khi thấy người này nhìn ngay ra vấn đề trong trao đổi, nhập cuộc nhanh, có vẻ sắc sảo. Nhưng kết quả công việc lại không như mong đợi. Dần dần mới thấy, cách lựa chọn nhân sự để giao việc kiểu này không ổn.
Có một người khác, phải trao đổi rất kỹ về công việc, thậm chí phải thị phạm vài công đoạn theo quy trình anh ấy mới nắm được, nhưng việc đã giao lại thực hiện rất hiệu quả.
Do phải điều hành việc ở nhiều địa điểm khác xa nhau, người đứng đầu phải vắng mặt tại trụ sở, mà người này vẫn chạy việc khá tốt, báo cáo tiến độ công việc đúng quy định, rất đáng tin cậy. Quả nhiên, sau này anh ấy chuyển qua đơn vị khác đã đảm đương cương vị người đứng đầu đơn vị đó.
Tôi rất kính trọng người tài, người giỏi và luôn muốn tìm hiểu xem điều gì làm họ có năng lực vượt trội. Song, điều tôi quan tâm nhiều hơn là làm thế nào để mỗi người có thể nỗ lực nâng cao – hoàn thiện năng lực cá nhân nhằm thành công trong công việc và cuộc sống của mình.
Nhận thấy việc nâng cao và hoàn thiện năng lực cá nhân luôn là nhu cầu cần, nhưng không dễ thực hiện, tôi mạnh dạn trao đổi mấy ý để tham khảo và mong nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ nhằm hướng tới mục tiêu mọi cái được tốt hơn.
Ít khi ta để ý sâu hơn, để thấy rõ năng lực cá nhân bao gồm cả hai mặt: Năng lực nhận thức và năng lực hành động. Có người năng lực nhận thức khá, nhưng năng lực hành động lại yếu và có người thì ngược lại. Người thông minh thì có năng lực nhận thức tốt, nhưng chưa hẳn cũng có năng lực hành động tương xứng.
Nhìn dưới một góc độ khác, có thể thấy năng lực của một người được hình thành nhờ quá trình rèn luyện của cả ba mặt: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, thái độ khiêm nhường, gắng học hỏi, vững tin và đam mê việc mà mình chủ tâm làm hay nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của bản thân.
Người có năng lực nhận thức tốt (IQ) thường thích hợp và có thể thành công trong các việc nghiên cứu, phát minh, sáng chế. Người có năng lực hành động tốt (EQ) thường thích hợp và có thể thành công trong hoạt động thực tiễn.
Song, trong thực tế cuộc sống, không hẳn người có IQ và EQ cao sẽ luôn thành công. Nhất là khi người đó phải hoàn thành công việc trong hoàn cảnh có tương tác với người khác.
Người khác có tương tác (tạm gọi là người tương tác) với họ có thể là một hoặc một số trong những người sau: Các cộng sự (người cùng mình phối hợp để thực hiện một việc hoặc mục tiêu chung); Cấp dưới (mình phải giao việc, kiểm tra, đôn đốc họ thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra); Cấp trên (người giao việc, kiểm tra, đôn đốc mình thực hiện mục tiêu, kế hoạch đã đề ra); Đối tác (khách hàng, nhà cung ứng vật tư hoặc dịch vụ, các bên cùng tham gia thực hiện mục tiêu mà đơn vị mình và đơn vị họ phải thực hiện); Bạn bè, người thân (quan hệ ruột thịnh, thân tình, gắn bó, chia sẻ nhiều góc độ của cuộc sống);
Khi một người phải sống hoặc phải hoàn thành công việc trong hoàn cảnh có tương tác với người khác, thành công của cá nhân phụ thuộc khá nhiều năng lực xã hội của bản thân người đó.
Đó là khả năng nhận thức và khả năng thể hiện cảm xúc, thái độ trong quan hệ tương tác – được gọi là SQ (social quotions) – và biểu hiện qua các khía cạnh sau:
Khả năng nhận thức về người tương tác; Khả năng thiết lập và duy trì quan hệ hợp sức với người tương tác; Khả năng nhận thức bản thân và thể hiện giá trị bản thân hợp lý trong quan hệ tương tác; Khả năng tự điều chỉnh, thay đổi phù hợp từng hoàn cảnh; Khả năng nhận thức về người tương tác thể hiện ở việc đánh giá đúng về con người đó, thấy rõ mặt mạnh và mặt yếu, ưu thế và hạn chế, đặc điểm về hoàn cảnh sống, tâm sinh lý của họ liên quan đến quan hệ tương tác với mình.
Từ đó thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ - có thể có sự thông cảm – xây dựng sự ăn ý, sự đồng thuận trong quan hệ tương tác giữa hai người. Đôi khi phải vượt qua khó khăn là chấp nhận một số nhược điểm nhất định nào đó của người tương tác, để kỳ vọng đạt hiệu quả công việc như đã hoạch định.
Khả năng thiết lập và duy trì quan hệ hợp sức với người tương tác thể hiện ở năng lực thuyết phục, lôi kéo người tương tác để tìm ra tiếng nói chung trong việc lập kế hoạch hành động, chuẩn bị tài liệu, dụng cụ, xây dựng quy trình công việc và phân chia công việc theo các bước đã thỏa thuận.
Năm góc độ đáng lưu ý của việc xây dựng và duy trì quan hệ xã hội tốt, đòi hỏi phải có sự nỗ lực để thành công:
- Tìm cách khơi gợi, lôi cuốn người tương tác đề xuất ý kiến, giải pháp và tranh luận để tìm sự ăn ý, lựa chọn cách làm hay – thậm chí từ bỏ một số chi tiết đã định nhưng khi tranh luận, phát hiện không còn hợp lý hoặc đã tìm được cách khác tốt hơn;
- Cùng nhau xây dựng bầu không khí làm việc cởi mở, dễ chịu, thoải mái vì mục tiêu chung để không bên nào cảm thấy e ngại bộc lộ hoặc bức xúc, khó tiếp xúc;
- Tạo nên sự tiếp cận chu đáo, thân mật, lịch sự để gây cảm nhận về một môi trường giao tiếp văn hóa trước, trong và sau quá trình tương tác làm việc.
- Luyện cách "ăn nói" sao cho có văn hóa và nghệ thuật, để sao cho người kia thích trao đổi, gần gũi với mình là đòi hỏi cao, rất cần cho "sự thành công" trong quá trình thiết lập và duy trì quan hệ với người tương tác. Không phải ngẫu nhiên mà các bậc tiền nhân đã dạy: phải "học ăn, học nói, học gói, học mở".
- Tập rèn thái độ giao tiếp mềm mỏng, uyển chuyển là nhân tố quan trọng tạo nên "bầu không khí' thân thiện trong quan hệ tương tác. Phụ nữ luôn có thế mạnh về mặt này, vì họ "thuộc phái đẹp", luôn có phong cách ngọt ngào, dịu dàng, tươi tắn – điều mà nam giới (phái mạnh) luôn phải học hỏi họ.
Khả năng nhận thức bản thân và về giá trị bản thân hợp lý thể hiện ở sự đánh giá đúng các điểm mạnh và giới hạn của mình – kể cả về cảm xúc, tâm lý – có tác động, ảnh hưởng đến công việc tương tác giữa các bên.
Trong đó, khả năng thể hiện giá trị bản thân phù hợp với vị trí, vai trò và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tương tác nếu được nâng thành một nghệ thuật thì hiệu quả tương tác sẽ đạt cao nhất.
Điều khó khăn là làm sao để người tương tác cùng nhận ra giá trị của bản thân mình và nhìn thấu ý tưởng, tình cảm chân thực của bản thân mình.
Do đó, cần rèn luyện kỹ năng nói và viết để sao cho vấn đề mình nêu ra được thể hiện đạt 5 yêu cầu: Gọn, rõ, đủ, chính xác và dễ hiểu. Việc này đòi hỏi sự luyện tập một cách thường xuyên, kiên trì và liên tục theo thời gian.
Khả năng tự điều chỉnh, thay đổi phù hợp thể hiện khả năng kiểm soát cảm xúc, lựa chọn thái độ ứng xử phù hợp từng hoàn cảnh, bình tĩnh tiếp nhận thông tin mới, linh hoạt giải quyết công việc trong mối quan hệ giữa chọn các mục tiêu cao nhất, trung bình và thấp nhất, khuyến khích các sáng kiến, sáng tạo nảy sinh trong quan hệ tương tác nhằm đạt được hiệu quả công việc ở mức có thể được.
Trong đó, thay đổi tác phong từ chậm sang nhanh, từ bỏ nếp sinh hoạt luộm thuộm, rề rà để thực hiện nếp sinh hoạt ngăn nắp và khoa học là một việc khó, nhưng rất cần làm để tạo phong cách mới, năng hoạt cho cả ê kip cùng quan hệ tương tác, nhằm đạt năng suất cao trong công việc.
Để tạo khả năng này, cần thường xuyên có ý thức khám phá, rèn luyện thói quen liên tưởng, so sánh và phương pháp tư duy khoa học, thực tiễn.
Việc luyện kỹ năng nghe, đọc để sao cho vừa biết lắng nghe lại vừa biết chọn lọc điều đáng quan tâm, lưu ý nhằm kịp thời lưu lại (ghi chép) – và đọc nhanh để bao quát được tình hình, đọc kỹ phần trọng tâm, trọng điểm nhằm tìm rã cái "cốt lõi" để giải quyết vấn đề, có thể coi là "bí quyết thành công" trong việc nâng cao năng lực cá nhân. Bởi lẽ, kỹ năng này giúp mỗi người nâng cao khả năng tự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh tương tác.
IQ (intelligence quotiont) và EQ (effective quotiont) cao luôn là điều kiện cần cho sự thành công của mỗi người, là cơ sở cho sự phát triển khả năng xã hội (SQ) của người đó. Song, để hoàn thành công việc và có cuộc sống cá nhân tốt đẹp trong hoàn cảnh có tương tác với người khác thì điều kiện đủ của thành công là phải có SQ (social quotions) cao.
Thành lập, duy trì quan hệ xã hội bền vững là nhân tố quan trọng để thành công trong mọi hoạt động và trong cuộc sống cá nhân có quan hệ tương tác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.