Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Người dân thôn Quảng Hội luôn nhắc đến cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học với sự yêu mến và tự hào. Kể từ khi ông Học nghỉ hưu và trở về quê hương, ông đã đóng góp rất nhiều vào việc tìm lại nguồn gốc của làng xưa.
Trước đây, thôn Quảng Hội nằm tại vị trí của nhà ga T1 sân bay Quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, vào năm 1960, người dân trong khu vực đã nhường đất cho Nhà nước xây dựng sân bay, nên làng đã di dời đến khu vực bên cạnh hồ Đồng Quan, dưới chân núi Sóc ở huyện Sóc Sơn. Từ đó, nguồn gốc của một làng quê có lịch sử hơn 400 năm dần bị lãng quên.
"Ở Việt Nam, luật nước và lệ làng luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên, tại Quảng Hội, không có lễ hội, chùa chiền và ngay cả các cụ già trong làng cũng phải đi lễ ở nơi khác" - ông Học nhớ lại những ngày "hồn làng" đã biến mất.
Niềm khao khát tìm lại nguồn gốc của nơi "chôn nhau cắt rốn" trở nên rất mạnh mẽ trong ông. Vì vậy, khi nhận quyết định hưu trí ông Học đã dành thời gian, công sức, tiền bạc để tìm lại lịch sử làng xưa. Chặng đường tìm lại lịch sử làng giống như "mò kim đáy bể" vì không có được một chút tư liệu nào, thứ duy nhất ông có được là kỹ năng nghiệp vụ báo chí của nguyên Tổng Biên tập Báo Quân khu 1. Suốt một thời gian dài ông Học đã lặn lội đến các trung tâm lưu trữ tài liệu để tìm hiểu về làng.
Ông Học cho biết: "Khi đó, không có bất cứ một tư liệu nào để biết được gốc gác làng, nhưng may mắn là mình có nghiệp vụ báo chí nên mình về Hà Nội và các trung tâm lưu trữ tìm về tên làng Quảng Hội, các sự tích, cột mốc của làng để tập hợp lại".
Từ nguồn tư liệu có được, ông đã dày công biên soạn hai cuốn “Hương ước làng Quảng Hội” và “Sử ký Quảng Hội” để gửi tới từng hộ gia đình, thậm chí là những người con xa quê để nguồn gốc của địa phương không bị mai một. Đồng thời ông đề xuất dựng lại lễ hội làng Quảng Hội. Toàn bộ số tiền thưởng do Đảng ủy xã Quang Tiến và Huyện ủy huyện Sóc Sơn trao tặng, ông Học đã dành góp vào cho người dân tổ chức lễ hội làng.
Sau những ngày tháng miệt mài tìm lại nguồn cội xưa, lễ hội làng Quảng Hội đầu tiên được chính thức tổ chức vào ngày 15/11 âm lịch năm 2009. “Ngày 15/11 âm lịch là ngày chuyến xe đầu tiên đưa người dân làng Quảng Hội xưa di dời lên vùng đất mới này. Vậy nên chúng tôi đã lấy ngày này làm ngày tổ chức lễ hội hàng năm để con cháu đời sau nhớ đến" – Ông Học chia sẻ.
Nói về ông Học, ông Nguyễn Kim Hùng (thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến) đã bày tỏ sự quý mến tới người hàng xóm của mình. “Ông Học sống rất hòa nhã, dung dị. Bằng tất cả tình yêu quê hương, ông đã tìm lại cho người dân Quảng Hội muôn đời sau gốc gác của chính họ”.
Không dừng lại ở đó, ông còn vận động người dân lập quỹ khuyến học để khích lệ các cháu học giỏi. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ xã Quang Tiến lần thứ 19, nhiệm kỳ 2010-2015, với tư cách đại biểu chính thức, người cựu chiến binh ấy có nhiều cơ hội để đấu tranh, giải quyết dứt điểm nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã như thanh niên cờ bạc, rượu chè, gây rối trật tự, .…
Đặc biệt, trong trong quá trình xây dựng nông thôn mới, "dồn điền đổi thửa" tại Quảng Hội, cùng với chính quyền địa phương dấu chân ông đã đến với từng thôn, từng nhà để vận động, tuyên truyền về chính sách mới. Để người dân hiểu, tin và làm theo, ông đã dành rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu hàng trăm hộ dân trong thôn sau đó xây dựng kế hoạch, kịch bản và giải pháp tháo gỡ sát với tình hình thực tế.
Nhớ đến những ngày tháng đi tuyên truyền "dồn điền đổi thửa" ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến cho hay: "Ông Học đã cùng với chính quyền địa phương đến từng thôn xóm, từng nhà để vận động bà con thực hiện chính sách".
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng hành của cựu chiến binh Ngô Văn Học, xã Quang Tiến trở thành một trong những đơn vị hoàn thành sớm chương trình "dồn điền đổi thửa", xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn.
Nhắc về ông Ngô Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến Nguyễn Văn Thi nói: "Cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học là người chiến sĩ chưa bao giờ ngừng chiến đấu. Nghỉ hưu, về quê, ông đã tích cực tham gia nhiều phong trào với nhiệt huyết của một người hết lòng vì quê hương".
Với những công sức, đóng góp cho làng xã, ông Học liên tục nhận được giấy khen, bằng khen từ các cấp chính quyền như: Danh hiệu "Người tốt việc tốt" năm 2019 của UBND huyện Sóc Sơn; Giấy khen Cựu chiến binh gương mẫu năm 2022,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.