Một đời gắn bó với nông dân
Vào tháng 10.1995, khi đó tôi đang là phóng viên của Thời báo Tài chính VN, được anh Đỗ Phú Thọ và anh Trần Đình Lương - phóng viên Báo QĐND “rủ” sang gặp tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn. Lúc đó, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm sáp nhập với Bộ Thủy lợi và Bộ Lâm nghiệp thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ông Tạn lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm). Tôi và một số anh em phóng viên mấy cơ quan báo chí được Thư ký dẫn đến phòng làm việc của ông ở số 2, phố Ngọc Hà.
Ông Nguyễn Công Tạn trong trang trại vịt trời do ông lập. Ảnh: VNE
Chỉ thấy ông qua tivi, nay mới trực tiếp gặp ông, tôi rất ấn tượng với phong thái ngoài đời - rất “nông dân”, mộc mạc và chân tình của ông. Ông rót nước mời chúng tôi, rồi mở ngăn tủ lấy ra một tập tạp chí Nghiên cứu nông nghiệp, tặng chúng tôi mỗi người một cuốn và nói:
- Tớ đang rất bận, các cậu cũng có nhiều việc đang đợi, trong này có bài viết từ gan ruột của tớ nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của ngành nông nghiệp Việt Nam, các cậu về đọc nhé.
Phấn khích, tối đó về tôi đọc luôn bài báo của ông và ngay lập tức tôi cảm thấy mình trở thành chuyên gia nông nghiệp. Bài viết tâm huyết của ông đã làm tôi vốn dĩ là con nhà nông - vỡ ra những vấn đề lớn, những câu chuyện lớn của ngành nông nghiệp lúc đó mà đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Chẳng hạn như, lúc đó ông đã đặt ra vấn đề “dồn điền đổi thửa” (bây giờ chúng ta chủ trương ở tầm cao hơn là tích tụ, tập trung ruộng đất), ông cũng đã chỉ ra những giới hạn của khoán hộ, đã đề cập đến vai trò của khoa học kỹ thuật (mà bây giờ ta gọi là công nghệ cao) đối với nông nghiệp và đặc biệt, ông đã phân tích và cho rằng, muốn đưa nông nghiệp Việt Nam bứt phá lên tầm cao mới phải hội nhập, phải đưa nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa và chiếm lĩnh thị trường thế giới, ông cũng chỉ ra những lợi thế của nông nghiệp Việt Nam với khí hậu, thổ nhưỡng, cây, con đặc sản cần được phát triển, nhân rộng thế nào...
Đặt nền móng đổi mới nông nghiệp, nông thôn
Nổi tiếng là người cán bộ lãnh đạo sâu sát thực tiễn, nhưng không mấy người biết ông là người rất coi trọng lý luận. Có dịp tham gia nhiều chuyến công tác cùng Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn, tôi được nghe ông kể nhiều về quá trình đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp gắn với quá trình nghiên cứu của Ban Nông nghiệp Trung ương (sau này sáp nhập thành Ban Kinh tế Trung ương) mà ông có dịp tham gia. Một câu chuyện được ông nhắc đến nhiều là vào năm 1981, Ban Nông nghiệp Trung ương đã phối hợp nghiên cứu và kiến nghị với Ban Bí thư ra Chỉ thị 100-CT/TW về "cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp" mà nông dân thường gọi là “Khoán 100”.
Đây là bước đột phá đầu tiên vào toàn bộ cơ chế quản lý nông nghiệp, chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hình thành hệ thống quản lý nông nghiệp mới, làm biến đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, vào năm 1988, Ban Nông nghiệp Trung ương đã chủ động đề xuất với Bộ Chính trị khóa VI đã ra Nghị quyết số 10 về: “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (gọi tắt là Nghị quyết 10 hay khoán 10). Đây là nghị quyết có sức đột phá mãnh liệt, có tác động lan tỏa tích cực nhiều mặt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Nghị quyết 10 đã đề ra các quan điểm cơ bản của đổi mới công tác quản lý nông nghiệp ở nước ta, thể hiện rõ sự đổi mới tư duy lý luận quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đó là, quan điểm mới, tư duy lý luận mới về giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan điểm về lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người lao động, cụ thể là nông dân, xã viên; quan điểm về dân chủ và tự chủ trong quản lý nông nghiệp, nhất là quản lý hợp tác xã; quan điểm về vai trò kinh tế nông hộ trong nông nghiệp và nông thôn; quan điểm về mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới làm dịch vụ cho kinh tế hộ; lưu thông phân phối trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn; quan điểm về xóa các chính sách thu mua lương thực, thực phẩm theo nghĩa vụ với giá thấp; đổi mới quản lý các nông, lâm trường quốc doanh…
Nghị quyết 10 đã “cởi trói” trong sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo, nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Năm 1988, sản lượng lương thực cả nước đạt 19,58 triệu tấn, nhưng chỉ 1 năm sau khi có Nghị quyết 10, năm 1989 con số này đã tăng lên 21,58 triệu tấn, năm 1995 đạt 26,14 triệu tấn, năm 2000 đạt 34,53 triệu tấn…
Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn - người luôn trăn trở làm sao để giúp người nông dân thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Thời kỳ đó đất nước còn vô vàn khó khăn, quan hệ đối ngoại với nhiều quốc gia còn chưa được rộng mở, vậy nhưng ông là người đã lặn lội tìm kiếm đưa giống, cây con, tinh hoa của nông nghiệp thế giới về Việt Nam.
Giờ đây, tuy ông đã đi xa nhưng những tâm huyết, những mong mỏi của ông với nông nghiệp, nông dân đang từng ngày trở thành hiện thực. Những ngày tháng này, chúng ta đang phát động cán bộ, đảng viên học tập làm theo “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - đó là sống, làm việc hết lòng với nước, với dân. Tôi nghĩ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn là một người như thế - người đã tiên phong mở ra nhiều đổi mới cho nông nghiệp nước.
Dường như mỗi chuyến công tác nước ngoài của ông là một giống cây, con được mang về, những sản phẩm nông nghiệp sau này được phổ biến mang nặng dấu ấn của ông: Đó là những hạt ổi giống để có giống ổi Đài Loan, hay là dúm thóc giống Thái Lan để nhân ra giống lúa lai Thái Lan, là những quả trứng gà Ai Cập đầu tiên để có giống gà Ai Cập, là những quả trứng đà điểu từ chuyến đi châu Phi. Ngay khi đã nghỉ hưu, ông vẫn say sưa với cây, con: Ông nghiên cứu để nuôi ba ba năng suất cao, thuần hóa giống vịt trời, ngỗng trời để làm giàu cho nông dân...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.