Cụ Sơn kể: "Ngôi nhà ở số 8 phố Thanh Miến (Hà Nội) là trụ sở hoạt động bí mật của nhóm chúng tôi từ năm 1941. Đó là một trong những nhóm của sinh viên Trường CĐ Kỹ nghệ thực hành Đông Dương. Sau khi cách mạng thành công, tôi mới biết trong trường có rất nhiều nhóm nhưng vì nguyên tắc hoạt động bí mật nên ai ở nhóm nào thì chỉ biết nhóm ấy. Nhiều sinh viên của trường sau này trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng như các ông Trần Vỹ, Vũ Oanh, Trần Lâm…".
Hàng nghìn lá cờ xuất hiện
Cụ Cao Việt Sơn là một trong những cán bộ lão thành cách mạng, người đã tham gia treo lá cờ đỏ sao vàng rộng hàng chục mét vuông trên mặt tiền bao lớn Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc mít tinh cướp chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19.8.1945. Tuy năm nay đã ngót nghét 100 nhưng cụ vẫn còn khoẻ mạnh, tinh anh, trí nhớ minh mẫn. Hiện cụ đang sống tại số 10 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nói chuyện với chúng tôi, giọng cụ vẫn còn sang sảng...
Vuốt vuốt chòm râu, cụ Sơn kể: Ngôi nhà hoạt động của nhóm chúng tôi lúc đó rất bí mật, nhờ bên phải là nhà một viên đội, còn bên trái là nhà một me tây, bọn mật thám không hề nghi ngờ chút nào. Chỉ đến sau ngày 19.8, khi chúng tôi treo cờ đỏ sao vàng lên thì hàng xóm mới biết đó là trụ sở cách mạng. Bây giờ ngôi nhà vẫn còn nguyên như ngày xưa sau bao nhiêu năm tháng, thăng trầm.
Ngày 19.8, phe thân Nhật tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn thành phố. Lúc này không khí tại Hà Nội đã nóng lên rất nhiều. Nhật đã bại trận, còn các tổ chức của Việt Minh thì náo nức chuẩn bị cho cướp chính quyền. Từ vùng ATK của phía nam sông Đuống đã hình thành Ủy ban Hành chính lâm thời cấp thôn để điều hành mọi việc. Cơ quan T.Ư cũng đặt tại đây để theo dõi và điều hành phong trào tại Hà Nội.
|
Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19.8.1945. |
Vào sáng ngày 19.8, tất cả anh em trong nhóm ông Sơn đều có mặt tại Nhà hát Lớn. Mỗi người mang theo một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ, hoặc cả vũ khí nếu có (thường là mua bằng tiền túi), chờ đến khi có hiệu lệnh thì hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh" và đồng loạt phất cờ.
“Ngày hôm đó, tại Nhà hát Lớn có bao nhiêu cán bộ Việt Minh, tôi không biết, chỉ đến khi có hiệu lệnh mới biết có đến hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, vẫy gọi. Một rừng cờ xuất hiện, quần chúng hô vang khẩu hiệu, khí thế cách mạng như nước triều dâng”- cụ Sơn kể.
Lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại
Thấy rừng người, rừng cờ với khí thế cách mạng trào dâng, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ chuồn mất. Cụ Sơn kể tiếp: “Tôi và anh Lê Trọng Nghĩa được giao nhiệm vụ đứng ở phía trong Nhà hát Lớn. Tôi nhớ lúc đó mọi người đều cuống quýt, hối hả, chạy đi chạy lại vì chưa ai có kinh nghiệm điều khiển một cuộc mít tinh lớn thế này.
Bên ngoài, quần chúng vẫn hô khẩu hiệu ầm ầm: "Ủng hộ Việt Minh". Rồi giữa rừng người, một lá cờ đỏ sao vàng có diện tích hàng chục mét vuông do một nhóm chị em chuẩn bị từ trước đã được mang vào Nhà hát Lớn. Đám đông rẽ thành lối cho chị em mang cờ vào. Theo hiệu lệnh, tôi ôm lấy nó và chạy từ tầng một lên phía nóc Nhà hát Lớn để thả xuống từ bao lơn.
Theo lời kể của cụ Cao Việt Sơn (ảnh), đến cuối năm 1946, cụ trở thành công an xung phong và lên Việt Bắc tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại đây, cụ đã có nhiều đóng góp, nhiều kỷ niệm về con đường bảo vệ nền cách mạng non trẻ. Tuy nhiên, những giây phút đầu tiên của ngày Tổng khởi nghĩa vẫn in sâu trong tâm trí, như cụ bảo, vẫn không bao giờ quên được…
Chúng tôi thắc mắc lá cờ hàng chục mét vuông nặng như vậy, sao lúc đó cụ chạy lên tầng nhanh thế, cụ Sơn mỉm cười, nhớ lại: "Lúc xếp lại, nó to gần bằng hai cái bàn trước mặt chúng ta đây này. Và cũng nặng lắm. Mà tôi thì thời đó cũng thuộc dạng thanh niên nhỏ bé. Thế nhưng, thấy khí thế cách mạng sục sôi, tôi thấy mình ôm cờ chạy ào ào mà không thấy nặng chút nào. Chỉ đến khi tôi ôm được đến tầng thượng Nhà hát Lớn thì anh em cùng ùa tới, mỗi người một tay, thả lá cờ đỏ sao vàng xuống mặt tiền của nhà hát”.
Trầm ngâm một lúc, ánh mắt cụ Sơn như sáng lên khi nhắc về thời khắc đó. “Vậy là đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ y nguyên giây phút thiêng liêng đó. Tất cả chúng tôi, không ai bảo ai đều đứng nghiêm. Tay cùng nắm chặt. Mắt ai cũng sáng ngời niềm tin cách mạng. Cùng lúc đó, bài Tiến quân ca vang lên. Hàng vạn người, hàng vạn thanh niên Hà Nội cùng hát. Chúng tôi hát chào cờ, chào đón một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc, giai đoạn độc lập và tự do cho Tổ quốc.
Sau cuộc mít tinh là tuần hành thị uy, rồi đoàn người ào ạt chiếm lĩnh Bắc Bộ Phủ, Bảo An binh… mở đầu cho Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền trong cả nước”- cụ Sơn kể.
Bài 2: May áo cho lãnh tụ
Nguyễn Thiên Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.