Du khách Trung Quốc đại lục tới Hong Kong trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay gặp một sự kiện mà họ không lường trước được khi đặt tour: một cuộc biểu tình lan rộng khắp thành phố. Theo hãng tin Bloomberg, cuộc biểu tình của người Hong Kong vừa khiến người đại lục ngạc nhiên, thán phục và cả khó chịu.
Trong tuần lễ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc năm nay, dự kiến có khoảng 480 triệu người dân đại lục đi du lịch, trong đó Hong Kong là một điểm đến chính. Năm 2013, người đại lục chiếm 75% trong tổng số 54 triệu du khách đến Hong Kong.
“Nhìn vào thế hệ trẻ của một nơi là biết tương lai của nơi đó. Hong Kong nên tự hào về thế hệ trẻ của họ”, Ding - một giáo viên dạy cấp 2 từ Thâm Quyến, Trung Quốc - nhận xét khi đi một vòng qua khu vực biểu tình ở quận Admiralty của Hong Kong ngày 1/10.
“Tôi dạy những đứa trẻ tầm tuổi như thế này, nhưng tôi không nghĩ là có ai trong số học sinh của tôi có thể làm những việc như thế này”, Ding nói. “Môi trường lớn lên của trẻ em ở chỗ tôi hoàn toàn khác. Đối với chúng, vào trường đại học tốt là ưu tiên quan trọng nhất, và mọi thứ khác không quan trọng. Chính trị là chuyện cấm”.
Tin tức về biểu tình ở Hong Kong trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc là rất hiếm hoi. Bởi vậy, khi đặt chân tới Hong Kong, người Trung Quốc đại lục mới có dịp tìm hiểu về cuộc biểu tình ở đây.
“Chính phủ Trung Quốc không muốn người dân biết những gì đang diễn ra”, một nữ du khách họ Sun đến từ Quảng Châu cho biết. Cô Sun đã chụp ảnh dòng người biểu tình ở khu mua sắm Causeway Bay.
Theo Sun, Bắc Kinh “kiểm soát nội dung trên truyền thông và người đại lục hiểu sai về người Hong Kong. Một số người bạn của tôi nghĩ người Hong Kong biểu tình vì lý do kinh tế, vì không tìm được việc làm. Nhưng thực tế không phải thế. Người Hong Kong chỉ muốn bầu cử dân chủ”.
Ông Hu Yang, một giáo sư về thiết kế đến từ Hàng Châu, bày tỏ sự nể phục đối với giới sinh viên Hong Kong. “Tôi dành sự tôn trọng lớn cho các sinh viên trẻ tuổi của Hong Kong. Họ đang đi tiên phong trong thời điểm của thay đổi và cải cách này. Họ sẽ là những người tạo ra thay đổi cho Hong Kong, và thậm chí là cả Trung Quốc bằng cách theo đuổi dân chủ và bỏ phiếu toàn dân”.
Những gương mặt trẻ của Hong Kong trong cuộc biểu tình - Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, không phải du khách Trung Quốc đại lục nào cũng ủng hộ người biểu tình Hong Kong.
“Mọi người ở đây quá ngây thơ”, Zhu Ming, một công chức về hưu đến từ tỉnh Hà Nam, nói khi quan sát khu vực biểu tình ở quận Admiralty của Hong Kong.
“Nhìn mà xem, hầu như tất cả những người mặc áo phông đen mà tôi thấy đều là bọn nhóc. Chúng chẳng biết gì về điều hành một quốc gia hay một thành phố. Cảnh này khiến tôi nhớ đến hồng vệ binh trong cách mạng văn hóa. Bọn trẻ rất dễ bị điều khiển. May là những đứa trẻ này không gây bạo lực, nhưng liệu có đúng là chúng thực sự kiểm soát toàn bộ tình huống này?”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói cuộc biểu tình ở Hong Kong là bất hợp pháp và được lãnh đạo bởi các nhà hoạt động cực đoan, thiếu sự ủng hộ rộng rãi. Dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram của Facebook Inc. đã bị chặn ở Trung Quốc đại lục hôm 28/9 khi cảnh sát Hong Kong dùng hơi cay để trấn áp người biểu tình nhưng bất thành. Người dùng tìm cách truy cập website chính của Yahoo từ Trung Quốc đại lục đã gặp tình trạng dịch vụ gián đoạn trong ngày 30/9.
Hãng BBC dẫn lời luật sư cho biết, một công dân Thâm Quyến, thành phố đại lục ngay gần Hong Kong, đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi người này có hơn 30 bài post trên mạng xã hội về cuộc biểu tình.
Theo Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp du lịch Hong Kong, nhà chức trách Trung Quốc đã dừng cấp phép cho các tour du lịch sang Hong Kong.
Theo David Bandurski, biên tập website thuộc trường Đại học Hong Kong, cho biết, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc có đăng tải hình ảnh và bài viết của báo chí nước ngoài về biểu tình ở Hong Kong, nhưng các nhà kiểm duyệt Internet đại lục đã xóa nhiều hình ảnh và bài viết trong số này.
“Tôi không ngờ là biểu tình lại lớn đến thế này. Khi tôi còn ở nhà, TV không hề đưa tin. Tôi không cảm thấy bất tiện lắm vì nhiều cửa hàng vẫn mở và tôi có thể đi dạo mà không gặp vấn đề gì. Tôi chỉ thấy lo cho bọn trẻ ở dây. Chúng nên về nhà và đi học”, ông Zhu nói.
Đặt chân tới Hong Kong những ngày này, một số du khách đại lục thậm chí cảm thấy bực bội khi thấy biểu tình lớn.
“Tôi chẳng hiểu cái quái gì đang diễn ra ở Hong Kong nữa? Tôi thấy rất bất tiện khi phải kéo hai va-li to tới khách sạn vì tài xế taxi không chịu đưa tôi tới nơi. Cửa hiệu thì đóng, nhà hàng thì hết đồ ăn. Liệu tôi làm được gì ở đây?”, du khách Zheng Tian, 40 tuổi, từ Ninh Ba, càu nhàu.
Công ty bán lẻ nữ trang lớn thứ nhì Hong Kong là Chow Sang Sang hôm qua phải đóng cửa 6 cửa hàng vì biểu tình. Một loạt cửa hiệu của các thương hiệu xa xỉ như Dolce & Gabbana hay Fendi cũng phải tạm ngưng hoạt động vì biểu tình. Do xe bus và taxi phải ngưng hoạt động ở nhiều khu vực, không ít nhà hàng Hong Kong phải dùng xe đạp để chở hàng.
(Theo VnEconomy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.