Nhiều cơ quan còn dửng dưng!
Sáng 8.7, Dân Việt đã liên hệ với một cán bộ lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Vĩnh Long hỏi về vấn đề người Trung Quốc đang thuê đất ở địa phương để trồng khoai lang. Lãnh đạo này nói đã biết vụ việc nhưng chưa thể trả lời do đang bận đi công tác. Tuần sau, Sở TNMT sẽ trả lời chính thức với Báo Dân Việt.
Còn ông Nguyễn Văn Tập - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết: “Vùng nguyên liệu trồng khoai lang ở Bình Tân khoảng 6.000ha. Người Trung Quốc mới thuê với diện tích nhỏ nên chưa ảnh hưởng nhiều đến vùng trồng khoai lang ở địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài nếu người Trung Quốc “núp bóng” người bản xứ thuê đất nhiều thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.
|
Diện tích đất lúa được người địa phương đứng ra thuê, tổ chức trồng khoai lang. |
Khi có diện tích đất lớn, họ có thể sẽ thao túng cả vùng trồng khoai lang. Hiện tại, hơn 70% sản lượng khoai lang ở địa phương đều xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với khoảng 400 tấn/ngày, nên chỉ cần họ ngưng xuất một vài tháng là nông dân không biết tìm đường đâu mà tiêu thụ.
Hiện tại, chưa có cơ quan chức năng nào ở địa phương thống kê chính xác việc người Trung Quốc thuê đất trồng khoai vì hầu hết đều “núp bóng” người bản xứ đứng ra hợp đồng thuê và sản xuất.
Ông Liêu Cẩm Hiền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Thông tin người Trung Quốc thuê đất trồng khoai lang mấy ngày nay đã xuất hiện trên các cơ quan truyền thông. Nhưng ngành nông nghiệp chưa có báo cáo chính xác, cụ thể vì hầu hết do người bản xứ đứng ra thuê đất”.
Theo ông Hiền, nếu việc chuyển đổi ồ ạt với diện tích lớn sẽ gây bất lợi cho nông dân trồng khoai lang. Bởi mỗi khi sản lượng tăng, cộng với thị trường biến động thì thiệt thòi sẽ thuộc về người nông dân.
Không phải chuyện nhỏ
Bà Huỳnh Thị Diện - Chủ tịch Hội ND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Ngay sau khi có thông tin người Trung Quốc thuê đất của nông dân làm nông nghiệp, Hội đã chỉ đạo các cấp xuống tận địa phương để nắm tình hình. Trước mắt sẽ xem xét người nông dân cho thuê đất như vậy có lợi hay không, mục đích của việc thuê, cho thuê, có ai xúi giục hay không… Từ đó, Hội sẽ có khuyến cáo đối với bà con nông dân trong việc cho thuê đất để làm nông nghiệp”.
Trao đổi với Dân Việt chiều 8.7, ông Trương Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, nắm tình hình xem phương thức thuê đất như thế nào, tổng diện tích thuê bao nhiêu... Bước đầu đã xác định được đều do người bản xứ đứng ra hợp đồng thuê đất của dân rồi tổ chức sản xuất. Sau khi nắm tình hình các sở, ngành sẽ đề xuất giải pháp để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, xử lý nghiêm vấn đề này.
Cũng theo ông Sáu, về lâu về dài, ngành nông nghiệp địa phương đang tập trung xây dựng thương hiệu và tìm thị trường mới để phát triển bền vững nghề trồng khoai lang. Có như vậy, vùng trồng khoai lang ở địa phương không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đầy may rủi như hiện nay.
Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, cần có giải pháp ngăn chặn người Trung Quốc đứng ra thuê đất trồng khoai lang ở địa phương bởi bài học họ thuê đất trồng rừng rồi bỏ hoang vẫn còn nóng hổi.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.