Người Việt khoái uống rượu bia, ở quê uống nhiều hơn thành phố

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 24/05/2021 15:57 PM (GMT+7)
Lượng tiêu thụ rượu bia bình quân của người Việt tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020, theo Tổng cục Thống kê.
Bình luận 0

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, cho biết lượng tiêu thụ rượu bia của Việt Nam tăng nhẹ trong năm 2020. Cụ thể, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020.

Người Việt khoái uống rượu bia, ở quê uống nhiều hơn thành phố - Ảnh 1.

Lượng tiêu thụ rượu bia bình quân của người Việt tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020.

Có sự khác biệt về tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người khi so sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn. Người dân ở khu vực nông thôn tiêu thụ trung bình 1,4 lít/tháng, trong khi đó, người thành thị tiêu thụ trung bình 1,2 lít/tháng.

Tổng cục Thống kê ghi nhận nhóm hộ gia đình khá giả nhất tiêu thụ bình quân đến 2,4 lít rượu bia/người/tháng, trong khi nhóm hộ nghèo chỉ khoảng 1,3 lít/người/tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy gia đình Việt có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như gạo tiêu thụ bình quân theo đầu người mỗi tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020. 

Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 so với 6,1 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất.

Trái ngược với tiêu thụ gạo, thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020.

Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. "Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016)", báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định.

Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần. 

Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng). Mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem