Suýt “phát điên” vì sán não
Suốt một thời gian dài, anh Lò Văn Hạc, dân tộc Thái (Lai Châu) gầy yếu, đau đầu dữ dội, nhiều khi anh điên cuồng ôm đầu lăn lộn trên đất. Nhưng đến tận khi anh lên cơn co giật, ngất lịm thì gia đình mới đưa đi khám. Bệnh viện tỉnh đã chuyển anh về Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư điều trị với chẩn đoán bị sán não. Bác sĩ Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư) cho biết, anh Hạc bị sán não nặng do thói quen ăn sống các loại rau, cá. “Ấu trùng sán não có thể thâm nhập qua da hoặc qua đường ăn uống, ký sinh dẫn đến đau đầu, co giật, ảnh hưởng đến khả năng lao động. Nếu ấu trùng ký sinh ở mắt có thể gây tổn thương mắt, lên não gây tổn thương não như trường hợp của anh Hạc” – bác sĩ Thọ cho biết.
Anh Lò Văn Hạc đang điều trị sán não tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư. Ảnh: Hồng Vân
Theo bác sĩ Thọ, điều trị cho bệnh nhân nhiễm sán não rất khó khăn vì hệ thần kinh trung ương bị tổn thương. Trong quá trình điều trị bệnh nhân phục hồi tốt nhưng đa số bệnh nhân để lại sạn vôi trên não tạo thành di chứng, dẫn đến đau đầu khi thay đổi thời tiết, khi làm việc căng thẳng, dùng chất kích thích sẽ gây co giật trở lại. Nghe bác sĩ phân tích, anh Hạc thở dài: “Người Thái chúng tôi có tập quán sinh sống lâu đời tại ven suối thường có thói quen ăn gỏi cá và các loại rau rừng. Ngày ăn 3 bữa gỏi thịt, cá sống là chuyện bình thường. Không ngờ vì thế mắc sán não. Mỗi khi bị chúng hành hạ, đầu tôi đau như muốn nổ tung, lên cơn co giật từng hồi rồi ngất lịm”- anh Hạc chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Liên (46 tuổi ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) bị nhiễm giun lươn nặng. Chị được người nhà đi cấp cứu trong tình trạng bụng đau quằn quại, nôn ói, khó thở… Các kiểm tra tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư cho thấy, chị bị nhiễm giun lươn. Theo bác sĩ Thọ, ấu trùng giun lươn sẽ từ đất xuyên qua da, vào máu, đường hô hấp, tiêu hóa sau đó sinh sôi và di chuyển khắp cơ thể. Giun lươn đặc biệt nguy hiểm vì kích thước rất nhỏ, mắt thường có khi không thấy. Nó có thể tiến vào đường thở gây viêm phổi, làm suy hô hấp, vào hệ tiêu hóa gây buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, thiếu máu, thậm chí làm tổn thương dạ dày, khiến bệnh nhân suy kiệt nặng. Chị Liên cho biết, chị làm nghề nông nên thường xuyên cuốc đất, làm cỏ dại nhưng không dùng bảo hộ gì, chỉ chân trần, tay không bới đất, nhổ cỏ. “Quê tôi ai ai cũng làm ruộng như vậy, nào biết sẽ bị nhiễm giun. Chúng tôi cũng chẳng có điều kiện khi khám sức khỏe, tẩy giun định kỳ. Tôi không hề biết những thói quen lao động thường ngày đó của mình lại là nguyên nhân để giun sán đi vào cơ thể”- chị Liên nói.
Mất 1,5 triệu lít máu/năm
Theo PGS-TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, 50% dân số nước ta nhiễm giun. Đặc biệt ở miền Bắc – nơi có thói quen canh tác sử dụng phân tươi bón ruộng khá phổ biến, tỷ lệ trẻ em bị nhiễm giun sán rất lớn, có khi lên đến 80%. "Ước tính hằng năm người dân mất 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun” – TS Dương cho biết. Theo TS Dương, người dân nhiễm giun sán không chỉ mất chất dinh dưỡng trong cơ thể mà còn có nguy cơ làm cơ thể suy kiệt, suy hô hấp, tổn thương não, làm trẻ em bị sa sút thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm giun móc ở tá tràng sẽ bị giun hút máu hằng ngày dẫn đến việc thiếu máu rất lớn. Nếu nhiễm sán ký sinh ở não, tim, gan, đường mật sẽ dẫn đến tình trạng gây viêm, tổn thương các cơ quan này và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, do triệu chứng bệnh lý không rầm rộ, cấp tính nên chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Dương cho biết, nguyên nhân chính của việc nhiễm giun do nước ta nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các ký sinh trùng phát triển và gây bệnh. Ngoài ra, do điều kiện vệ sinh môi trường sống, lao động của người dân chưa đảm bảo. Đa số người nông dân lao động thường không đi dép, lao động bằng tay không có bảo hộ là những điều kiện để giun sán tiếp xúc với và xâm nhập qua da. Điều kiện vệ sinh toàn thực phẩm, đặc biệt ở những khu vực nông thôn chưa được chú ý. Nhiều nơi, vẫn còn tập quán ăn gỏi cá sống, ăn tiết canh, hải sản, thịt sống… đã tạo điều kiện cho giun sán và các loại ký sinh trùng nguy hiểm đi vào cơ thể.
Người dân phòng tránh các bệnh về giun bằng cách ở sạch, rửa tay sạch, uống nước sôi, ăn chín. Tránh để trẻ em lê la trên đất. Khi lao động, người dân nên dùng găng tay, đi giày, ủng, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, đặc biệt là nơi quen bón phân chuồng. Hạn chế tối đa ăn gỏi cá, ăn thịt sống. Cần tẩy giun định kỳ 1 năm 2 lần để đảm bảo không bị tái nhiễm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.