Ngày 9.1.2013, khi nhà ngoại giao Việt Nam
Lê Lương Minh chính thức nhậm chức
Tổng thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia), kênh truyền hình Channel News Asia của Singapore liên tục phát thông tin về sự kiện này.
Các chuyên gia phân tích thời sự trong khu vực được mời bình luận về người Việt đầu tiên giữ vị trí trên trong lịch sử gần nửa thế kỷ của ASEAN.
Trong số đó, nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavorn, đồng hương của ông Surin Pitsuwan - người tiền nhiệm của ông Minh, nhận xét: “Tân Tổng tổng thư ký Lê Lương Minh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, được kính trọng rộng rãi trên thế giới”.
Nhà ngoại giao Lê Lương Minh.
Tự tin và khiêm tốnTrước
đó, trên báo Straits Times của Singapore ngày 2.1.2013, nhà quan sát
Chongkittavorn cũng có một bài xã luận lớn. Ông Chongkittavorn tin tưởng
vị tân tổng thư ký “sẽ thiết lập được một chuẩn mực hoạt động của Ban
Thư ký ASEAN”.
Đây là thách thức lớn khi người tiền nhiệm Pitsuwan thường xuyên ca thán rằng làm sao cải tổ Ban Thư ký ASEAN vốn rối rắm về tổ chức, chồng chéo về chức năng và mục tiêu, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.
Bài báo còn ghi nhận ông Lê Lương Minh từng để lại dấu ấn đặc biệt trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 khi Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Đó là giúp giải quyết xung đột ở Dafur (Sudan), Bờ Biển Ngà, Sierra Leone, Georgia, Somalia…
Đặc biệt, theo nhà báo Chongkittavorn, ông Minh từng có đóng góp lớn cho quá trình cải cách của Myanmar, bắt đầu từ việc cứu trợ giải quyết hậu quả bão Nargis tàn phá nước này vào tháng 5.2008. Lúc bấy giờ, trong vai trò đại diện Liên Hiệp Quốc và là một trong những người bạn của Tổng thư ký ASEAN, ông Minh đã kiên định nối kết cộng đồng quốc tế giúp đỡ tái thiết Myanmar. Điều này giúp Myanmar thay đổi.
Ông Lê Lương Minh trong vòng vây của báo chí.
Khác với người tiền nhiệm, sau khi nhậm chức Tổng thư ký ASEAN, ông Minh không tiếp xúc báo chí một cách không chính thức bên lề, mà chỉ thực hiện họp báo vào những thời điểm được bố trí cẩn thận để không lấn át vai trò phát ngôn của nước chủ nhà.
Tổng thư ký Lê Lương Minh chỉ trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí có đăng ký và được Ban Thư ký sắp xếp trước. Trao đổi với tôi về ông Minh sau 10 tháng làm Tổng thư ký, nhà quan sát Chongkittavorn cho rằng: “Ông Minh chọn cách thức tự tin mà khiêm tốn với mong muốn tập trung vào các vấn đề của ASEAN mà thôi”.
Chongkittavorn giải thích thêm: “Từ khi
nhậm chức, ông ấy làm việc chặt chẽ với Ủy ban Các đại diện thường trực từ các quốc gia. Ông ấy phải điều hành Ban Thư ký, đồng thời tăng cường đội ngũ nhân viên cũng như năng lực của họ để tạo chất liệu cho các lãnh đạo ASEAN trong tương lai”.
“Gửi từ iPad/iPhone của tôi”Kiểm tra lại toàn bộ thư điện tử trao đổi qua lại trong vòng gần một năm qua, tôi thấy mọi email từ Tổng thư ký Lê Lương Minh đều kết thúc bằng dòng chữ “Sent from my iPad” hoặc “Sent from my iPhone” (Gửi từ iPad/iPhone của tôi). Hầu hết email từ ông đều mang dấu ấn “tranh thủ”, viết trong lúc đang trên đường ra sân bay, ngay sau một cuộc họp, hay ngồi trong phòng chờ bay nối chuyến từ nước này sang nước khác. Nhờ vậy mà không ít lần ông “cứu” tôi kịp hạn nộp bài.
Di chuyển liên tục, ông Lê Lương Minh phải tranh thủ làm việc mọi lúc mọi nơi.
Hồi cuối tháng 10.2013, ông và tôi có dịp ngồi nói chuyện gần 2 giờ tại Singapore. Chia sẻ về chuyện “Gửi từ iPad/iPhone”, ông cho biết do đi liên tục nên điện thoại phải nối mạng toàn cầu để làm việc mọi lúc mọi nơi. Đọc báo cáo của nhân viên hàng ngày để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo hiệu quả và tiến độ dự án, phân công công việc, duyệt các kế hoạch, văn bản, viết lách… ông toàn làm trên điện thoại và máy tính bảng. Ông cũng chia sẻ về cả núi công việc đang tiến hành để cải tổ Ban Thư ký mà tôi không sao nhớ hết.
Tuy nhiên, ông rất kín đáo trước những câu hỏi có tính chất riêng tư. Điều riêng tư ít ỏi mà tôi biết về người Việt Nam duy nhất trong số
500 người quyền lực nhất thế giới đó là: Ông không đem theo gia đình đến nơi công tác. Giữa thủ đô Jakarta đông đúc, ông đang cống hiến toàn bộ sức lực và thời gian của mình cho công cuộc cải tổ bộ máy tổ chức của ASEAN và thúc đẩy toàn khối đi nhanh tới một Cộng đồng chung vào năm 2015.
Thanh niên (Theo Thanh niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.