Người Việt ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam trong điều kiện nào?
Người Việt ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam trong điều kiện nào?
An Linh
Thứ ba, ngày 28/11/2023 09:44 AM (GMT+7)
Theo Điều 10, Điều 15 tại Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, người Việt định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài định cư tại Việt Nam được quyền mua, thuê nhà ở tại Việt Nam.
Với 94,13% số đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, với hàng loạt các quy định mới về điều kiện cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản, được thuê, mua bất động sản; điều kiện giao dịch bất động sản qua sàn và nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với quy định liên quan đến nhà ở cho đối tượng người có yếu tố nước ngoài là người Việt định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng để sử dụng, kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân trong nước, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch được mua, thuê, thuê mua công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng để sử dụng theo đúng công năng của công trình xây dựng.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang trong thời hạn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam được mua, thuê nhà ở để sử dụng hoặc được mua, thuê công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng của chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để sử dụng theo đúng công năng sử dụng của công trình xây dựng phục vụ cho các hoạt động của mình; thuê công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng để cho thuê lại theo đúng công năng sử dụng của công trình xây dựng.
Tổ chức nước ngoài đang trong thời hạn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang trong thời hạn cư trú hợp pháp tại Việt Nam được thuê công trình xây dựng để sử dụng theo đúng công năng của công trình xây dựng phục vụ cho các hoạt động của mình.
Trước đó, báo cáo thẩm tra, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Uỷ ban Kinh tế giải trình về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt ở nước ngoài trong dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thành, quy định của Luật Đầu tư năm 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông, bao gồm: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.
Để bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại Điều 10, Điều 15 và Điều 42, theo đó, tổ chức kinh tế thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước có quyền thực hiện các hình thức kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng như tổ chức, cá nhân trong nước.
Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Uỷ ban Kinh tế chỉnh sửa quy định theo đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch có quyền kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như công dân Việt Nam ở trong nước.
Bên cạnh đó, giữ chính sách hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
Về chính sách đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý theo hướng, "Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này".
"Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.