Người Việt ở nước ngoài - những "người lính" bảo vệ chủ quyền từ xa

Lê Chiên Chủ nhật, ngày 04/09/2016 06:30 AM (GMT+7)
Không trực tiếp cầm súng như những chiến sĩ ngoài hải đảo hay nơi biên cương, nhưng người Việt ở nước ngoài cũng là “phên giậu” vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong những ngày đất nước gặp “sóng gió”.
Bình luận 0

Ngay sau khi có thông tin phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Ấn - Chủ tịch CLB Người cao tuổi ở Košice (Slovakia) điện cho tôi hồ hởi: “Anh đã biết tin này chưa? Phấn khởi quá”. Và ông kể cho tôi nghe câu chuyện của cộng đồng người Việt đã phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam 2 năm trước.

Như những người lính giữ đảo

img

Hoàng Thúy An (phải) cùng nhóm bạn tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc. Ảnh: L.C

Phát biểu tại cuộc biểu tình, ông Sedmak Rasto đại diện cho người dân sở tại (nay là lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Košice) nói: “Nhân dân Košice đứng bên cạnh các bạn trong giờ phút trang trọng này và ủng hộ đòi hỏi chính đáng của nhân dân  Việt Nam”.  

Những ngày tháng 5.2014, từ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, được biết Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, bà con Việt kiều ở Košice và vùng Đông Slovakia vô cùng phẫn nộ. Gặp nhau ở đâu, cũng chỉ nói chuyện này.  Rất nhiều người gặp lãnh đạo Hội Người Việt Nam hối thúc “phải làm gì chứ”. Thế là lãnh đạo Hội người Việt Nam ở Košice và vùng Đông Slovakia đã có cuộc hội ý nhanh.

“Có thể nói chưa bao giờ một chủ trương lại có sự thống nhất cao đến thế. Mới ngỏ lời sẽ tổ chức biểu tình phản đối việc làm của Trung Quốc là anh em hưởng ứng ngay”- ông Ấn nói rồi kể tiếp. Tuy nhiên bà con ở phân tán, có người cách vài trăm cây số, công việc thì khác nhau nên tập trung được là vô cùng khó khăn. Lộ trình biểu tình thế nào? Pano, biểu ngữ, hậu cần ra sao?... Một núi công việc.

Nhưng cái khó nhất ở đây lại ở chỗ tổ chức thế nào để biểu thị được tình yêu Tổ quốc và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của bà con người Việt, nhưng phải phù hợp với quan điểm đấu tranh của Nhà nước Việt Nam và pháp luật của nước sở tại. Mấy hôm liền, các anh lãnh đạo Hội Người Việt, lãnh đạo chi bộ thức thâu đêm suy nghĩ chuẩn bị nội dung. Người thì cho rằng, lời lẽ trong khẩu hiệu và thư phản đối (để trao cho Đại sứ quán Trung Quốc phải mạnh mẽ, dùng những động từ mạnh; có ý kiến cho rằng, nên sử dụng những từ mang tính ôn hòa... Có lúc tranh luận khá gay gắt, nhưng chẳng ai giận hay bức xúc, vì chung quy cũng để bày tỏ lòng yêu nước.

Cuộc biểu tình đã thành công ngoài sức tưởng tượng, hàng trăm người Việt đổ về trung tâm thành phố Košice và sau đó vượt chặng đường hơn 400km đến Bratislava (thủ đô Slovakia), tiếp tục tuần hành trao thư phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Slovakia. Tất cả các hội đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi; từ người già đến thiếu niên đều tham gia; có người hàng ngày bẽn lẽn, nhưng hôm đó hô khẩu hiệu to nhất... Slovakia rực lên màu cờ đỏ sao vàng, áo đỏ in cờ Tổ quốc. Đoàn người hô vang khẩu hiệu bằng tiếng Việt, Anh và Slovakia: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”; “Việt Nam yêu hòa bình”; “Hải Dương 981 ra khỏi Việt Nam”…

“Nhìn lớp lớp người bước đi hùng dũng dưới cờ đỏ sao vàng trên đường phố, tôi bỗng nhớ tới những chiến sĩ cầm cờ trên đảo Gạc Ma và thấy đoàn biểu tình giống như những người lính ngoài biên ải. Tôi tự hào, xúc động muốn trào nước mắt. Có lẽ tình cảm này đã chạm đến trái tim người bản xứ, rất đông các bạn người bản xứ cũng tham gia biểu tình” - ông Ấn kể lại.

Tiếp bước cha anh

Dịp hè vừa qua, giữa  Hà Nội, tôi gặp lại mẹ con chị Hoàng Thị Thắm (Việt kiều tại Áo, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Nhìn thấy cháu Hoàng Thúy An (con gái chị Thắm), 15 tuổi, đang là học sinh phổ thông tại Vienna, Cộng hòa Áo, tôi bảo nhìn cháu khác nhiều so với tấm ảnh cháu trong đoàn biểu tình phản đối Trung Quốc mấy năm trước.

An ngạc nhiên: “Thế bác cũng biết cháu đi biểu tình à? Tức thật bác nhỉ”. Tức gì cháu - tôi hỏi. “Thì cái việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đấy”. Rồi An kể, khi trên Facebook thông báo sẽ tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc, lúc đầu cháu cũng không hiểu. Mẹ cháu giải thích rằng giống như có một người tự nhiên đến chiếm nhà mình. Khi đó cháu mới vỡ lẽ, rồi báo cho tất cả bạn bè, hẹn cùng nhau tham gia biểu tình. “Hô hét khản hết cả cổ, nhưng 3 lần tổ chức, lần nào bọn cháu cũng đi. Tuy vậy, còn thua các bạn ở Linz, cách Vienna mấy trăm cây số mà các bạn ấy còn có mặt sớm hơn bọn cháu” - An kể.

“Bạn bè được tụ tập hò hét, vậy là thích đi biểu tình chứ gì?” - tôi hỏi. An trả lời tôi ngay rằng: “Không phải thế bác ạ. Bọn cháu là thanh niên, không đi biểu tình để bảo vệ người thân của mình ở Việt Nam sao được”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem