Thầm lặng giữ bí mật cho chiến tranh
Đến đây, chúng tôi vô cùng vui mừng vì được thấy chính quyền địa phương, các con cháu đã góp vốn xây dựng cho cụ một căn nhà chắc chắn cạnh ngôi mộ của Anh hùng Hồ Đức Thắng. Hàng ngày, những người con, người cháu thay nhau chăm sóc cụ, lo từng bữa ăn, giấc ngủ... của cụ.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi chúng tôi đến, cụ cũng cố gắng ngồi dậy trò chuyện. Nói được vài câu, cụ lại nhìn hướng về phía bàn thờ của chồng mình, những giọt nước mắt ứa ra bởi nhớ đến những ngày tháng khốn khổ, gian truân trong chiến tranh.
Cụ Nguyễn Thị Ba tâm sự với chúng tôi: “Mỗi khi nhắc đến thời chiến tranh, nhất là lúc bị tổ chức khai trừ khỏi Đảng thì tôi lại nhớ đến ổng, tôi lại nói các con cháu dẫn đi nhìn lên bàn thờ rồi đi ra cửa để nhìn thấy ngôi mộ của chồng mình”.
Qua thông tin từ người nhà và lời nói của cụ, chúng tôi biết được, trước đây, để giữ bí mật thông tin về Đoàn tàu không số (bí mật vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam) cũng như tin tức về chồng mình - nguyên Chính trị viên thuộc Đoàn tàu không số, cụ Nguyễn Thị Ba đã bị bà con, hàng xóm và cán bộ địa phương cho là “chửa hoang”.
“Trước khi tham gia Đoàn tàu không số, chồng tôi có về hỏi thăm gia đình. Vì bí mật của cách mạng nên tôi không cho ai biết. Đến khi tôi có thai thì người dân địa phương nói không có chồng ở nhà mà có con nên nghĩ tôi chửa hoang. Sau đó, tôi bị tổ chức ở địa phương khai trừ Đảng, cách chức chi ủy viên và xã đội phó” – cụ Nguyễn Thị Ba kể.
Sau khi chiến dịch hoàn thành, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số nói chung và Anh hùng Hồ Đức Thắng nói riêng đã được tôn vinh, ghi công. Anh hùng Hồ Đức Thắng đã trở về nhà, và đi khắp nơi giải thích để mọi người hiểu được sự chịu đựng, hy sinh của vợ mình. Ông cũng đề nghị khôi phục sinh hoạt đảng cho vợ. Vậy mà đến nay, cụ Ba đã 88 tuổi, nhưng hơn 43 năm vẫn chưa được trở lại hàng ngũ của Đảng.
Giữ vững niềm tin với Đảng
Trong lúc chồng đi làm nhiệm vụ, một mình cụ Nguyễn Thị Ba đã làm lụng vất vả trên mảnh đất nhiễm phèn chua, bạc màu để nuôi 8 đứa con nhỏ cho chồng yên tâm công tác. Khoảng năm 1985, Anh hùng Hồ Đức Thắng nghỉ hưu, lương lúc này cũng không đủ nuôi cả nhà. Gia đình vẫn ở trong ngôi nhà lá tạm bợ...
Trong những lúc khó khăn, vất vả, bị nghi kỵ... cụ Ba vẫn luôn giữ vững lòng tin với Đảng. Thời gian sau ngày đất nước thống nhất, đời sống của người dân ở xã Hiệp Thạnh có nhiều khó khăn, nghèo đói. Tuy không còn đảm nhiệm bất cứ cương vị nào nhưng cụ vẫn thường động viên người dân địa phương nỗ lực vươn lên, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. “Tôi luôn khẳng định trong lòng mình niềm tin với Đảng và nói với mọi người rằng với sự lãnh đạo của Đảng chúng ta sẽ thoát nghèo” - cụ kể. Đúng như vậy, đời sống người dân xã Hiệp Thạnh ngày nay đổi mới rất nhiều, nhà cửa khang trang, tươi đẹp...
Qua tâm sự với ông Hồ Quốc Phục - con trai út của cụ Nguyễn Thị Ba, chúng tôi được biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trà Vinh, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Duyên Hải cũng đã đến thăm hỏi cụ Nguyễn Thị Ba và các con, đồng thời cũng đề cập đến việc sẽ kiểm tra lại và xem xét việc phục hồi Đảng tịch cho cụ, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin thêm về việc này.
Những hy sinh, những cống hiến của cụ Nguyễn Thị Ba được nhiều người ở xã Hiệp Thạnh biết đến. Nhiều học sinh trên địa bàn xã đã lấy câu chuyện về người vợ, người mẹ đầy đức hy sinh của cụ để viết về điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.