Người vợ mua bia đưa cho bác sĩ cứu chồng bị ngộ độc rượu

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 10/01/2019 20:15 PM (GMT+7)
Sau khi nghe giải thích phác đồ điều trị, người vợ đã mua bia đưa cho bác sĩ để cứu chồng bị ngộ độc rượu.
Bình luận 0

Tối 10.1,  PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú thôn An Giạ, xã Triệu Độ, Trưởng Trạm y tế xã Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) – bệnh nhân bị ngộ độc rượu vừa được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống.

Ông Nhật cho biết, sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe nay ổn định, tiến triển tốt. Gia đình đã gửi hoa và thư cảm ơn y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

img

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhật, bà Lê Thị Ái Sương.

Bà Lê Thị Ái Sương (42 tuổi, vợ ông Nguyễn Văn Nhật) cho biết, 6h sáng 25.12.2018, bà đưa chồng nhập viện trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

Sau khi chẩn đoán bệnh xong, y, bác sĩ bệnh viện đã giải thích về phác đồ điều trị, cần phải truyền bia vào người ông Nhật để kìm hãm sự chuyển hóa rượu gây độc tố.

Được giải thích rõ ràng, bà Sương đã đi mua 20 lon bia (hai lần, mỗi lần 10 lon) đưa cho y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiến hành điều trị cho chồng mình.

Sau khi truyền vào đường tiêu hóa của ông Nhật 15 lon bia (gần 5 lít), cộng với quá trình lọc máu tích cực, đến 7h sáng hôm sau (26.12.2018), ông Nhật tỉnh lại trong niềm hạnh phúc của mọi người. Ngày 2.1.2019, ông Nhật được xuất viện, hiện sức khỏe đã ổn định.

“Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn đội ngũ lãnh đạo, y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc nói riêng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nói chung đã tận tâm, tận lực cứu sống chồng tôi. Công ơn tái sinh này gia đình tôi không bao giờ quên” - bà Sương nói.

img

Thư cảm ơn bà Lê Thị Ái Sương gửi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Bà Lê Thị Ái Sương cung cấp.

Như Dân Việt đã đưa tin, chiều 23.12.2018, tại nhà thờ Đồng Giám (Triệu Độ) tổ chức tiệc mừng Giáng sinh với 50 khách mời, ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược (cùng trú huyện Triệu Phong). dự tiệc. Bữa tiệc có bia, rượu.

Sáng 25.12.2018, 4 người trên bị ngộ độc rượu. Ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai bệnh nhân còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28.12.2018, bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.

Kết quả điều tra cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc, mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu 4 bệnh nhân uống tại bữa tiệc có hàm lượng methanol vượt quá 1.119 lần ngưỡng cho phép. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng nêu trên.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra vụ việc bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong vào ngày 28.12.2018.

img

Ông Nguyễn Văn Nhật lúc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ

Liên quan đến việc cứu chữa bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật, thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: "Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu, y, bác sĩ bệnh viện đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, sau 24 giờ bệnh nhân Nhật qua cơn nguy kịch".

img

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ

Bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

Trong bia có Etylic, vì vậy để hạn chế quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem